Xem và tải bản đầy đủ tại đây
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bình Phước là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, tuổi trẻ Bình Phước thực thi nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ bởi quy mô và tính chất ác liệt của chiến tranh.
Được sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng bộ, sự đùm bọc thương yêu của nhân dân, tuổi trẻ Bình Phước đã từng bước khẳng định mình, ngày càng trưởng thành, bản lĩnh hơn. Với tinh thần cách mạng tiến công, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, bám trụ, bám dân, xung kích, đi đầu trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần cùng quân và dân trong tỉnh và cả nước tạo nên Đại thắng mùa Xuân 1975
Nước nhà được độc lập, thống nhất, tuổi trẻ Bình Phước không ngại khó khăn, gian khổ luôn năng động, sáng tạo trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại đại hóa đất nước.
KHÁI QUÁT VỊ TRÍ, ĐẶC ĐIỂM
VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ TỈNH BÌNH PHƯỚC
Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam Bộ; phía Đông giáp tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng; phía Nam giáp tỉnh Đồng Nai và Bình Dương; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh; phía Bắc và Tây Bắc tiếp giáp Vương quốc Campuchia với chiều dài biên giới hơn 240 km. Trong quá trình lịch sử luôn có vị trí hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Diện tích tự nhiên hiện tại là 6.871,543 km2 ( ), dân số 893.353 người, mật độ dân số 130 người/km2. Hiện tại, tỉnh Bình Phước có 41 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, đông nhất là người Kinh, người S’tiêng, M’nông và Khơ me. Người S’tiêng, M’nông là một trong những dân tộc cư trú lâu đời nhất và Bình Phước cũng là địa bàn sinh sống tập trung nhất của người S’tiêng trên địa bàn cả nước.
Tỉnh Bình Phước có 10 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, gồm 3 thị xã: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long và 7 huyện: Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đăng, Bù Gia Mập với 111 xã, phường, thị trấn; là vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên với đồng bằng nên địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Phía Đông Bắc là vùng núi, phía Tây Bắc là vùng đồi lượn sóng, còn lại là vùng đất bằng phẳng. Khí hậu mang đặc điểm khí hậu gió mùa rõ rệt .
Về mặt tổ chức hành chính, dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, Bình Phước thuộc trấn Biên Hoà. Đến giữa thế kỉ XIX, sau khi đặt ách đô hộ tại 6 tỉnh Nam kỳ, thực dân Pháp chia Nam kỳ thành 4 khu vực lớn là Sài gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bát - Xắc. Vùng đất Bình Phước thuộc khu vực Sài gòn; trong đó vùng đất phía Đông thuộc tiểu khu Biên Hoà, vùng đất phía Tây Nam và phía Nam thuộc tiểu khu Thủ Dầu Một. Năm 1889, thực dân Pháp đổi các tiểu khu thành các tỉnh, Bình Phước thuộc địa phận hai tỉnh Biên Hoà và tỉnh Thủ Dầu Một. Từ đó cho đến hết thời Pháp thuộc bộ máy hành chính cơ bản không thay đổi.
Sau năm 1954, trải qua hàng chục năm chiến tranh, vùng đất Bình Phước bị chia cắt, sáp nhập nhiều lần tùy theo nhu cầu cai trị của thực dân, đế quốc cũng như nhu cầu chỉ đạo cách mạng của Đảng ta trong từng thời kỳ lịch sử. Từ tháng 6 năm 1960, Ban cán sự tỉnh Phước Long được thành lập và tháng 10 năm 1961, Ban cán sự tỉnh Bình Long được thành lập. Đến ngày 30/1/1971, Trung ương Cục Miền Nam quyết định thành lập phân khu Bình Phước. Cuối năm 1972, phân khu Bình Phước giải thể, tỉnh Bình Phước chính thức được thành lập.
Ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành quyết định thành lập tỉnh Sông Bé bao gồm các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước và 3 xã thuộc huyện Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 6/11/1996, kỳ họp thứ X Quốc hội khoá IX quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; trong đó tỉnh Sông Bé tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Sau 20 năm, tỉnh Bình Phước lại được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997.
Về tôn giáo, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 tôn giáo chính được phép hoạt động: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hồi Giáo. Trước đây, tín ngưỡng dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số: S’tiêng, M’nông, Tà mun là tín ngưỡng đa thần nhưng hiện tại nhiều thiểu số dân tộc thiểu số đã gia nhập các tôn giáo Tin Lành, Thiên Chúa giáo, Phật Giáo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 20% đồng bào có đạo.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; đồng bào có đạo luôn đoàn kết, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, phấn đấu góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Nhân dân Bình Phước có truyền thống yêu nước đấu tranh anh dũng, bất khuất. Trong quá trình lịch sử đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và chống ngoại xâm để tồn tại và phát triển, nhân dân Bình Phước đã trải qua những năm tháng đầy thử thách, hy sinh và vượt qua bao khó khăn, gian khổ, viết nên những trang sử truyền thống đấu tranh cách mạng rất vẻ vang. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang của đồng bào dân tộc M’nông, S’tiêng, Tà Mun do Điểu Dố, Nơ Trang Lơng lãnh đạo chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là những trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Từ những năm đầu của thế kỉ XX, khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, Bình Phước là vùng đất đỏ Bazan phù hợp với sự phát triển nhiều loại cây công nghiệp trong đó chủ yếu là cây cao su, chúng đã tổ chức đưa dân thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc bộ vào làm công nhân ở các đồn điền cao su, từ đây đã hình thành lên giai cấp công nhân, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân được hình thành là tiền đề cho những hạt giống cách mạng trong giai cấp công nhân hoạt động lãnh đạo phong trào, lãnh đạo giai cấp. Do đó, Bình Phước là một trong những nơi mà giai cấp công nhân được giác ngộ cách mạng sớm nhất. Đội ngũ công nhân cao su ra đời và tiến hành đấu tranh từ tự phát đến tự giác; nơi có Chi bộ cộng sản sớm nhất ở miền Đông Nam bộ. Đó là Chi bộ Phú Riềng được thành lập ngày 28/10/1929. Chi bộ đã lãnh đạo công nhân cao su làm nên sự kiện “Phú Riềng Đỏ” vào tháng 2 năm 1930, ghi một dấu son chói lọi vào lịch sử vẻ vang của Đảng ta và dân tộc ta.
Từ ngày có Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhân dân Bình Phước nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc và sự phát triển của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân các đồn điền cao su cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh liên tục tiến hành các cuộc đấu tranh với thực dân Pháp. Mặc dù các cuộc đấu tranh bị đàn áp hết sức dã man nhưng nhân dân Bình Phước ngày càng xiết chặt hàng ngũ và lớn mạnh không ngừng.
Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với phong trào nông dân cướp chính quyền ở Nam bộ nhân dân Bình Phước đã vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Tám, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới của độc lập và tự do.
Trong kháng chiến chống Pháp, trải qua 9 năm gian khổ, hy sinh; quân dân Bình Phước đã cùng đồng bào cả nước góp công góp sức đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang. Với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, quân dân ta đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, thôn tính và biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước đã một lòng đi theo Đảng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, lần lượt đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sau ngày 30/4/1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, đấu tranh chống các thế lực phản động, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, cán bộ đảng viên, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng anh hùng; năng động, sáng tạo, xây dựng và phát triển Bình Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Như vậy, những đặc điểm của một tỉnh miền núi, biên giới, dân tộc, có nhiều tôn giáo, những đặc điểm về dân cư, sự thay đổi liên tục về địa giới hành chính, đặc biệt nhiệm vụ chính trị qua các thời kỳ lịch sử, đã tác động không nhỏ đến nội dung, phương thức công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở tỉnh Bình Phước trong suốt hai cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Những đặc điểm đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác Đoàn ở tỉnh Bình Phước. Công tác Đoàn đã có những nội dung, phương pháp phù hợp với tình hình cụ thể, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Mặt khác, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, biên giới để chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ tình hữu nghị và quan hệ quốc tế Việt Nam - Campuchia. Bên cạnh những khó khăn, phức tạp nêu trên, những đặc điểm về truyền thống yêu nước; truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng; truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân Bình Phước; truyền thống đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong tỉnh là những yếu tố thuận lợi rất cơ bản cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở tỉnh Bình Phước. Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã lãnh đạo công tác Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh nhà một cách sáng tạo, linh hoạt, kiên trì, hiệu quả; góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20/3 đến ngày 26/3 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến quyết định có ý nghĩa quan trọng là giao cho các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Như vậy, ngày từ khi mới ra đời Đảng ta đã xác định và đề cao vai trò của tổ chức Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng.
Trải qua 80 năm cống hiến và trưởng thành, tổ chức Đoàn, Hội thanh niên không ngừng phấn đấu để vươn lên. Đối với địa bàn tỉnh Bình Phước, kể từ khi tổ chức Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Phú Riềng được thành lập (4/1928); từ việc ra đời đầu tiên của đội "Thanh niên Xích vệ" tập hợp vài chục thanh niên công nhân đến những tháng giữa năm 1945 tổ chức được 150 cơ sở thanh niên, với hơn 30 ngàn đoàn viên, thanh niên.
Sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, các tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc trong tỉnh từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc tập hợp, tổ chức cho thanh niên tham gia trong các tổ chức cách mạng một cách bài bản, thiết thực hơn. Từ nhiệm vụ tham gia giữ gìn trật tự ở đồn điền, nhà máy, xã, ấp dẩn tiến lên tham gia lực lượng chiến đấu cùng với các đoàn thể chính trị khác tham mưu, giúp cấp ủy đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trên địa bàn tỉnh.
Thế hệ tuổi trẻ Bình Phước không tiếc máu xương, gian khổ hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho dân tộc, vì độc lập, tự do, thống nhất nước nhà. Tuổi trẻ năng động, xung kích đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần. Tích cực tham gia sản xuất chống giặc đói, xung phong tòng quân giết giặc, đi đầu trong việc xóa nạn mù chữ, bình dân học vụ, phong trào “3 sẵn sàng, 5 xung phong" và nhiều phong trào lớn khác do Đảng và tổ chức Đoàn phát động.
Khi đất nước thống nhất, tổ chức Đoàn và tuổi trẻ Bình Phước quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ để trao dồi bản lĩnh, vun đắp lý tưởng cộng sản, tinh thần lạc quan cách mạng bắt tay xây dựng tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên, thanh niên xung phong; vận động sỹ quan, binh sỹ chế độ cũ trình diện học tập cải tạo; bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương; khai hoang, phục hóa, phục hồi và phát triển sản xuất; ổn định cuộc sống cho nhân dân. Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, tuổi trẻ Bình Phước xung phong tòng quân, tham gia dân quân tự vệ, du kích chiến đấu. Cùng với quân và dân trong tỉnh vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, hăng hái thi đua sản xuất phát triển kinh tế, vừa tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu quyết tâm bảo vệ vững chắc tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là khi tỉnh Bình Phước được tái lập năm 1997, tổ chức Đoàn và tuổi trẻ tỉnh nhà cũng chính là lực lượng năng động đi đầu thực hiện 3 Chương trình kinh tế lớn của Đảng; tích cực tham gia các phong trào do Trung ương Đoàn phát động như phong trào “Ba xung kích, làm chủ tập thể”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước” và các phong trào lớn khác do địa phương phát động như xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội...
Nhìn lại chặng đường lịch sử của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên của tỉnh từ khi thành lập đến nay, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định tổ chức Đoàn rất xứng đáng là đội dự bị đáng tin cậy của Đảng, chỗ dựa vũng chắc của chính quyền, người bạn đồng hành của thanh niên, người anh của các em thiếu niên, nhi đồng, người con ưu tú của quê hương Bình Phước. Tuy nhiên cũng cần nhịn nhận một cách thẳng thắn hoạt động của Đoàn, Hội trong từng thời điểm cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định, đó là hình thức giáo dục chưa chú trọng đến thuyết phục và tự giáo dục của thanh niên mà nặng về biện pháp hành chính. Một số tổ chức Đoàn chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc củng cố, phát triển Đoàn, Hội, Đội, nhất là ở cơ sở, do đó chất lượng hoạt động chưa cao, còn đơn điệu, chưa thật sự thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Nhiều tổ chức Đoàn cơ sở chưa đủ khả năng cụ thể hoá các nội dung hoạt động cho phù hợp ở địa phương, đơn vị mình, còn nhiều lúng túng trong giải pháp tiếp cận thanh niên, giúp đỡ thanh niên một cách thiết thực, do đó tỷ lệ tập hợp thanh niên còn thấp, đặc biệt trong các đơn vị kinh tế tư nhân rất ít tổ chức Đoàn, Hội hoạt động hiệu quả, thiết thực. Có sự phân hoá nghề nghiệp và thu nhập ngày một rõ rệt trong các tầng lớp thanh niên. Chiều hướng thanh niên ly nông ngày càng tăng. Trình độ học vấn, nghề nghiệp, sức khoẻ và tác phong làm việc của một bộ phận đoàn viên, thanh niên chưa đáp ứng tốt yêu cầu lao động công nghiệp hiện đại, tính tích cực xã hội chưa được phát huy cao, ý thức tự lập còn hạn chế, một bộ phận thanh niên thoái hóa, biến chất, lối sống thực dụng, đua đòi, thích hưởng thụ, ít quan tâm đến thời cuộc, đến bản sắc văn hoá dân tộc. Tình trạng mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, phạm pháp trong thanh niên vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Từ thực tiễn đó, để công tác Đoàn và phong trào thanh niên hoạt động hiệu quả, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
1. Thanh niên là rường cột nước nhà, do đó quan tâm đến việc chăm lo, phát triển lực lượng trẻ là việc làm cấp thiết, thường xuyên. Nơi nào mà Đảng bộ, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức Đoàn hoạt động, nhất là có chính sách ưu đãi, cơ chế phù hợp để tổ chức Đoàn, Hội có cơ hội tập hợp, phát huy năng lực, sở trường của đoàn viên, thanh thiếu niên ngày càng gắn bó hơn với tổ chức Đoàn, Hội, Đội thì địa phương đó hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
2. Các cấp ủy Đảng phải thật sự xem trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, sử dụng, bố trí cán bộ Đoàn, Hội phù hợp với năng lực, sở trường, đồng thời mạnh dạn giao nhiệm vụ, xây dựng “hạt nhân” nòng cốt trong tổ chức Đoàn, Hội nhằm vừa tạo sức mạnh cho tổ chức, vừa tạo ra nguồn cán bộ bổ sung cho các tổ chức Đảng, chính quyền, các Đoàn thể sau này.
3. Nội dung, mục tiêu của các phong trào, các cuộc vận động phải thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng. Kết quả của các phong trào, cuộc vận động ngoài việc góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị, đồng thời kết hợp với sự phát triển tổ chức Đoàn, Hội, sự tiến bộ của đoàn viên, thanh niên một cách bền vững. Trong xây dựng phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ cần chú trọng lồng ghép tính truyền thống dân tộc, cách mạng nhằm định hướng chính trị, tư tưởng trong suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ.
4. Tổ chức Đoàn cũng phải thắng thắn, nhìn nhận đánh giá lại mình một cách khách quan, trung thực để rút ra bài học xác đáng. Cần xác định đội ngũ cán bộ Đoàn trước hết phải nhiệt tình, năng động, xung kích, biết vận dụng sáng tạo, hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, của Đoàn cấp trên thành việc làm cụ thể của tổ chức mình.
5. Thật sự xem trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo điều kịên cho đoàn viên, thanh niên tự thuyết phục lẫn nhau, cần nuôi dưỡng và khích lệ tính tích cực, sáng tạo tự nguyện của đoàn viên, thanh niên, quan tâm chăm lo tốt hơn đến nhu cầu và lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh thiếu niên là phương pháp tập hợp, giáo dục có hiệu quả, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.
6. Tổ chức Đoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, nhất là đối với tổ chức đoàn thể để có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, thúc đẩy phong trào, vận động, tập hợp đoàn viên, thanh niên tốt hơn.