Vận dụng kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo đấu tranh chống thế lực tờ-rốt-xkít (1930 - 1945) vào phòng, chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy hiện nay

Thứ năm - 17/12/2020 08:31 1.440 0
Cuộc đấu tranh quyết liệt với thế lực tờ-rốt-xkít để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng thời kỳ 1930 - 1945 diễn ra với nhiều hình thức đa dạng, từ bí mật đến công khai trên các diễn đàn, tại các cuộc mít-tinh, biểu tình, đến các cuộc vận động bầu cử, những cuộc bút chiến trên mặt báo. Cuộc đấu tranh ấy để lại nhiều kinh nghiệm quý, có giá trị và cần được vận dụng sáng tạo trong cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay.
Vận dụng kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo đấu tranh chống thế lực tờ-rốt-xkít (1930 - 1945) vào phòng, chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy hiện nay

Kinh nghiệm của Đảng trong lãnh đạo đấu tranh chống thế lực tờ-rốt-xkít (1930  - 1945)

Những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, tại châu Âu, một bộ phận trí thức người Việt chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tờ-rốt-xkít và gia nhập nhóm tờ-rốt-xkít tại Pháp - nhóm Tả Đối lập (Opposition de Gauche). Tiêu biểu trong số này có Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương. Năm 1930 từ Pháp về, nhóm tờ-rốt-xkít này kết nối với một số nhóm có khuynh hướng tờ-rốt-xkít ở Sài Gòn. Vì có nhiều bất đồng về quan điểm nên nội bộ những người tờ-rốt-xkít đã phân hóa thành ba nhóm chính(1). Mặc dù mỗi nhóm đều có lãnh tụ, hội viên, xuất bản báo chí riêng... nhưng về mặt tư tưởng, các nhóm này đều tuyên bố tin theo học thuyết “Cách mạng thường trực”, chống Đảng Cộng sản Đông Dương, phá hoại cuộc vận động dân sinh, dân chủ, tiến tới thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất của quần chúng nhân dân. Cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương với thế lực tờ-rốt-xkít thời kỳ 1930 - 1945 nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng đã diễn ra mạnh mẽ trên một số phương diện chủ yếu sau:
 

article 1
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo khi xác định nhiệm vụ
chiến lược của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp (Trong ảnh: Hội nghị thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930) _Nguồn: TTXVN

Thứ nhất, đấu tranh bảo vệ đường lối, chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo khi xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nhưng với những lập luận riêng dựa trên lý luận của “Cách mạng thường trực”, nhóm tờ-rốt-xkít đã đề ra những chủ trương đối lập về chiến lược, sách lược với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu Đảng ta chủ trương làm cách mạng dân chủ tư sản nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến (phản đế và phản phong), coi đây là giai đoạn thứ nhất của cách mạng để tạo điều kiện tiến lên giai đoạn xã hội chủ nghĩa, thì nhóm tờ-rốt-xkít cho rằng, sự xâm lược và thống trị của chủ nghĩa thực dân có giá trị như một cuộc cách mạng tư sản. Họ khẳng định, đây chính là yếu tố dẫn đến sụp đổ chế độ phong kiến và tạo tiền đề cho chủ nghĩa tư bản phát triển...  nên cách mạng Đông Dương không phải là cách mạng giải phóng dân tộc mà chỉ có thể là cuộc cách mạng vô sản, dẫn đến thành lập chính phủ công nhân. Trong Luận cương về Cách mạng thường trực, nhóm tờ-rốt-xkít Tháng Mười nhận định: “Chưa giải phóng sự sanh sản khỏi những quan hệ phong kiến, chưa làm cách mạng điền địa, chưa làm cách mạng dân tộc, ấy nghĩa là xứ Đông Dương chưa làm cách mạng tư sản dân quyền của nó”(2). Thậm chí, họ còn cho rằng, nếu Đông Dương thực hiện chiến lược cách mạng tư sản dân quyền thì là “dốt” và “duy tâm”:  “Trong quá trình của lịch sử tiến hóa, phái Staline đặt xứ Đông Dương ở giai đoạn phong kiến, đã kết luận rằng cuộc cách mạng ở xứ nầy là một cuộc tư sản dân quyền cách mạng. Nhưng lập luận như thế là tỏ cái dốt và cái duy tâm của họ”(3).

Cùng với việc phủ nhận chiến lược giải phóng dân tộc, nhóm tờ-rốt-xkít Việt Nam còn phủ nhận cả chiến lược giải phóng giai cấp trong đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên tờ La Lutte số 13, nhóm tờ-rốt-xkít cho rằng giai cấp vô sản Đông Dương “không phải làm nhiệm vụ lịch sử của các giai cấp xã hội khác” (nghĩa là không cần phải thực hiện các nhiệm vụ dân chủ, bao gồm cả cách mạng điền địa). Tháng 4-1937, Hồ Hữu Tường phản đối Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) về chủ trương các đảng cộng sản lập Mặt trận nhân dân chống phát-xít, đòi giải tán Mặt trận bình dân ở Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, phản đối Mặt trận dân chủ ở Đông Dương. Cũng trong tháng 4-1937, với luận điệu “tả” khuynh, Tạ Thu Thâu chủ trương ở Đông Dương không nên lập Mặt trận dân chủ: Giai cấp vô sản không cần và cũng không có thời giờ đâu mà lo cho các giai cấp khác. Luận điệu này như thể đề cao giai cấp vô sản, nhưng trên thực tế là trái với mục tiêu cách mạng của giai cấp vô sản mà C. Mác và V.I. Lê-nin đã đề ra. Các lực lượng tờ-rốt-xkít đều phản đối và ra sức ngăn cản cuộc vận động, tập hợp quần chúng nhân dân làm cách mạng của Đảng Cộng sản...

Trong bối cảnh đó, năm 1937, Tổng Bí thư Hà Huy Tập với bút danh Thanh Hương đã viết cuốn “Tờ-rốt-xky và phản cách mạng” để phân tích rõ những quan điểm phản động của nhóm tờ-rốt-xkít cũng như sự nguy hại của luồng tư tưởng này đối với cách mạng Đông Dương và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế: “Chủ nghĩa của Tờ-rốt-xky là một chi nhánh của chủ nghĩa phát-xít. Đệ tứ quốc tế là đội tiên phong của giai cấp tư bản tài chính phản cách mạng. Đệ tứ của Tờ-rốt-xky rất mật thiết liên lạc với hết các đảng phái phản động ở thế giới và nhất là với tụi phát-xít Đức và Nhật để chia rẽ công nhân vận động, phá rối các phong trào Mặt trận bình dân dự bị đế quốc chiến tranh âm mưu đánh đổ Liên bang Xô-viết là xứ dân chủ hơn hết trong thế giới, xứ độc nhất ủng hộ chính sách hòa bình một cách cương quyết và triệt để”(4).

Để đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, Nghị quyết của toàn thể Hội nghị của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3-1938) đã xác định: Tranh đấu chống lại “bọn khiêu khích tờ-rốt-xkít” là nhiệm vụ chính trị quan trọng ở thời điểm này, trong đó cần phải chú trọng hơn nữa công tác đấu tranh với nhóm tờ-rốt-xkít trên báo chí công khai, tiếp xúc với quần chúng nhân dân để làm cho họ hiểu rõ bản chất của những người tờ-rốt-xkít, nghiên cứu kỹ sự khác nhau giữa chủ nghĩa tờ-rốt-xkít và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tẩy sạch những phần tử tờ-rốt-xkít lọt vào trong Đảng. Dân chúng là tờ báo công khai, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương, ra số đầu vào ngày 22-7-1938, đã tập trung đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng. Báo Dân chúng số ra ngày 5-10-1938 đã vạch trần bộ mặt thật của tờ-rốt-xkít là “điên cuồng, cách mạng rồ, khí khái ngông!”(5).

Thứ hai, đấu tranh với quan điểm của thế lực tờ-rốt-xkít khi phủ nhận tính dân tộc và tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của các dân tộc Đông Dương trong tiến trình cách mạng.

Phát huy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Nhưng đối với các nhóm tờ-rốt-xkít thì nhân danh việc đề cao “tình cảm đối với giai cấp vô sản toàn thế giới” họ đã chối bỏ, không thừa nhận những giá trị của các cụm từ “yêu nước”, “tổ quốc”, “độc lập”, “đồng bào”,... Trên báo La Lutte, số ra ngày 13-4-1935, họ công khai tuyên bố: “Đã lâu rồi, sợi dây yêu nước trong tâm hồn chúng tôi không còn rung động nữa”. Do coi nhẹ yếu tố dân tộc nên nhóm tờ-rốt-xkít chủ trương xây dựng “Liên bang xã hội chủ nghĩa châu Á” (Les Etats Unis socialistes d’Asie). Thực ra, mô hình Liên Á này là sản phẩm của học thuyết “Cách mạng thường trực” khi cho rằng, cách mạng phải thành công ở nhiều nước chứ không thể thành công ở một nước riêng lẻ. Đây là học thuyết và quan điểm trái ngược với học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Nhằm vạch trần và đấu tranh với tư tưởng “chủ nghĩa hư vô dân tộc”  của nhóm tờ-rốt-xkít, trên tờ La Lutte số 148, ra ngày 13-5-1937, đồng chí Hà Huy Tập đã viết: “Chính thái độ biệt phái đó Thâu hoàn toàn không nói gì đến những nhiệm vụ giải phóng dân tộc của các dân tộc Đông Dương. Xóa bỏ các quyền lợi dân tộc là làm cho giai cấp vô sản bị cô lập, mà cũng là phản bội chủ nghĩa quốc tế”. Khẩu hiệu “Liên Á” của phái tờ-rốt-xkít được đánh giá là một ảo tưởng, một sai lầm và là một phương hướng chiến lược nguy hại. Việc coi nhẹ vấn đề dân tộc càng là sai lầm trong tư duy chính trị, rất nguy hại đến việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của các dân tộc trong chuẩn bị “lực”, “thế” và tranh thủ chớp thời cơ giành chính quyền khi đã hội đủ các điều kiện chín muồi.

Thứ ba, đấu tranh với thế lực tờ-rốt-xkít lợi dụng những thời điểm lịch sử có tính chất bước ngoặt để bóp méo, xuyên tạc bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản, chia rẽ và làm suy yếu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đến năm 1936, trước những biến chuyển của tình hình thế giới, gắn với yêu cầu của thực tiễn cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định chuyển cách mạng Việt Nam sang giai đoạn vận động dân sinh, dân chủ. Lợi dụng thời điểm cách mạng đang đứng trước những bước ngoặt lớn, ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, nhóm tờ-rốt-xkít đã tuyên truyền rằng, việc Đảng Cộng sản chuyển sang đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ là sự “phản bội nguyên lý của chủ nghĩa Mác”, “từ bỏ học thuyết đấu tranh giai cấp”, “đi theo chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa tân lập hiến”. Họ còn tuyên bố, Đảng Cộng sản Đông Dương là “Cộng sản giả”(6). Từ lập luận đó, nhóm tờ-rốt-xkít phản đối việc thành lập một mặt trận dân chủ rộng rãi lôi kéo các giai tầng trong xã hội vào cuộc đấu tranh chung và họ chủ trương thành lập “Mặt trận vô sản”. Nếu như Đảng chủ trương “lập các hội ái hữu rộng lớn”, “ủng hộ Chính phủ bình dân Pháp” thì nhóm tờ-rốt-xkít lại cho rằng, “ái hữu giết chết công hội” và kêu gọi “đánh đổ giai cấp vô sản Pháp”,...

Đồng chí Hà Huy Tập, với trách nhiệm của mình, đã đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, phản động của nhóm tờ-rốt-xkít. Với bút danh HONG-QUI-VIT, đồng chí Hà Huy Tập đã viết bài trên La Lutte, ngày 13-5-1937, phê phán quan điểm của tờ-rốt-xkít về vấn đề mặt trận: “Mặt trận nhân dân Đông Dương không nên thu hẹp thành mặt trận vô sản, như Thâu đã đề nghị, vì đó là một xu hướng cô lập giai cấp vô sản. Trái lại, Mặt trận nhân dân Đông Dương phải tập hợp được những tầng lớp dân chúng rộng rãi từ những người lao động cho đến những tầng lớp tự do của các giai cấp có của, qua những giai cấp trung gian và như thế không phân biệt những xu hướng chính trị, tôn giáo, giới tính, dân tộc, chủng tộc”(7). Đồng chí Hà Huy Tập chỉ rõ bản chất của thế lực tờ-rốt-xkít là “xét lại” chủ nghĩa Mác và kết luận: “Các bạn sẽ không rơi vào “chủ nghĩa lập hiến mới” khi tham gia Mặt trận nhân dân và đấu tranh chống sự cô lập hóa giai cấp vô sản, chống sự bỏ rơi các tầng lớp xã hội khác và quên đi những nỗi lo quốc kế dân sinh. Trong trường hợp khác, các bạn sẽ là kẻ theo chủ nghĩa Mác - mới, xét lại, mà lúc này là có tội”(8).

Với hiểu biết sâu sắc về học thuyết Mác  - Lê-nin, nhận thức rõ sứ mệnh của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với cách mạng, Nguyễn An Ninh đã thể hiện rõ quan điểm thẳng thắn, khách quan trong diễn đàn đấu tranh tư tưởng với nhóm tờ-rốt-xkít. Trong bài Trả lời cho ông Tạ Thu Thâu trên báo La Lutte ngày 27-3-1937, Nguyễn An Ninh đã khẳng định sự cần thiết phải đoàn kết rộng rãi nhằm cô lập các lực lượng phản động: “Chắc Thâu cũng đoán được câu trả lời của tôi. Hẳn làm mặt trận với đại biểu của các đảng vô sản, với đại biểu của các giai cấp trung gian, với những người trí thức tự do, với tất cả những ai có tham gia hay tỏ ý có cảm tình với cuộc vận động của Đông Dương đại hội (...). Một mặt trận nhân dân Đông Dương có thể sẽ khác với mặt trận nhân dân Pháp về thành phần tập hợp”(9). Những hoạt động này của các trí thức yêu nước đã tác động đặc biệt mạnh mẽ đến dư luận, góp phần định hướng tư tưởng cho quần chúng nhân dân ở thời điểm lịch sử này.  

Trong tác phẩm Tự chỉ trích xuất bản năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ dành một mục để bàn về Đừng khinh thường nạn tờ-rốt-xkít, trong đó chỉ rõ sai lầm của một số đồng chí ta là coi thường tầm ảnh hưởng của tờ-rốt-xkít, kêu gọi toàn Đảng không vì thất bại (trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ tại quận 2, năm 1939) mà hoảng hốt bi quan: “Bọn tờrốtkít, xét đến cốt tủy của chúng thì chúng chỉ gồm những cặn bã của phong trào nhóm họp nhau để chống cộng sản, chống cách mệnh, chia rẽ và phá hoại phong trào quần chúng. Nhưng vì chế độ áp bức, bóc lột tàn nhẫn của bọn tư bản phản động, nhờ những câu “cách mệnh cực tả”, nhờ che đậy bằng trăm nghìn mặt nạ nên bọn tờrốtkít có thể phỉnh phờ lừa gạt được một số trí thức tiểu tư sản, mà ngay cả một số thợ thuyền quá nóng nẩy”(10). Chúng còn “núp dưới bóng cờ cộng sản”, “nhiều khi mạo nhận là cộng sản để chia rẽ”, cần phải vạch trần mưu mô khiêu khích của phái tờ-rốt-xkít,... “Tự chỉ trích” đã định hình những nguyên tắc căn bản trong sinh hoạt đảng, đặc biệt là thực hành tự phê bình và phê bình..., góp phần quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ Đảng trước sự tấn công của các thế lực thù địch.

Từ tháng 6-1939, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết hàng loạt bài đăng trên Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta) với bút danh P.C.LIN và LIN về chủ đề tờ-rốt-xkít: Từ đặc điểm của những người tờ-rốt-xkít đến cuộc đấu tranh chống tờ-rốt-xkít của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong Thư từ Trung Quốc đăng trên báo Notre Voix, ngày 7-7-1939, Nguyễn Ái Quốc đề cập đến hoạt động của phái tờ-rốt-xkít ở Trung Quốc và chỉ rõ: “Bọn tờ-rốt-xkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”(11). Trong tài liệu “Những chỉ thị tôi nhớ và truyền đạt”, Nguyễn Ái Quốc đề nghị các đồng chí trong Đảng cần phải cảnh giác đối với những phần tử tờ-rốt-xkít: “Đối với bọn tờ-rốt-xkít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát-xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”(12).

Cùng với những hoạt động đấu tranh chống thế lực tờ-rốt-xkít, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân; đã có 20 đầu báo ra đời để thực hiện nhiệm vụ chính trị này. Cùng với báo Dân chúng phải kể đến báo Le Travail, báo Lao động, báo Tin tức, báo Việt Nam Độc lập,...

 

article 1 1
Việc huy động đội ngũ trí thức yêu nước để mở rộng mặt trận đấu tranh là kinh nghiệm quý báu của thời kỳ 1930 - 1945 và cần được vận dụng sáng tạo trong giai đoạn hiện nay (Trong ảnh: Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham quan trưng bày hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngành tuyên giáo của Đảng) _Ảnh: TTXVN

Như vậy, tờ-rốt-xkít là xu hướng và lực lượng phản cách mạng mang nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy đã công khai chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, làm rạn nứt sự gắn bó, đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, với dân tộc... Quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh chống thế lực tờ-rốt-xkít thời kỳ 1930 - 1945 đã để lại một số kinh nghiệm có giá trị và cần được vận dụng sáng tạo trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể là: Cần luôn đề cao cảnh giác và tăng cường nhận thức về mục tiêu, bản chất, thủ đoạn của các lực lượng cơ hội chính trị, kích động và lôi kéo quần chúng; coi trọng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ trương, đường lối của Đảng để giữ vững niềm tin, lý tưởng cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ; chú trọng xây dựng, huy động lực lượng đủ “tâm”, đủ “tầm” để trở thành những “chiến sĩ tiên phong” trên mặt trận đấu tranh chống các lực lượng phản động và định hướng tư tưởng cho quần chúng; coi trọng nâng cao hiệu quả của phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo chí cách mạng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng; tiến hành đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần được tiến hành đồng thời với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng vì mục tiêu độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Vận dụng kinh nghiệm của Đảng vào đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa” có hệ thống lý luận,... mà chỉ tồn tại dưới dạng quan điểm, tư tưởng và biểu hiện ở phát ngôn, hành động của một số người, một số nhóm, phần tử cơ hội chính trị. Dù chưa điển hình và chưa trở thành trào lưu chi phối đời sống chính trị - xã hội, nhưng những biểu hiện của nó đã tạo ra nhiều nguy cơ và hệ lụy cho sự phát triển chung. Có thể nhận diện những biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay trên một số khía cạnh sau:

Một là, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và những khó khăn, khuyết điểm trong quá trình đổi mới đất nước... một bộ phận cán bộ, đảng viên mất niềm tin vào lý tưởng của Đảng, thậm chí còn xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Nhóm này ẩn chứa nhiều nguy cơ chuyển biến thành các phần tử cơ hội chính trị, chủ nghĩa dân túy. Một số nhóm còn cấu kết với các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị tham gia xuyên tạc, bóp méo tình hình, cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm,...

Hai là, các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực phản động tập trung tuyên truyền chống phá, lôi kéo, kích động quần chúng, như: Đòi từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi tự do, dân chủ không giới hạn; lạm dụng và lợi dụng vấn đề “tự do”, “dân chủ” để đưa ra những chương trình hành động có tính mị dân, không đúng với chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, tranh thủ dư luận xã hội để chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ; sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại kích động tâm lý bất mãn; từ đó, lôi kéo một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, cổ vũ tụ tập đông người với những khẩu hiệu “bất tuân dân sự” gây sốc nhằm huy động lực lượng chống phá, gây mất ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội... Hiện nay, có hàng trăm tổ chức phản động đang ráo riết hoạt động chống phá công cuộc đổi mới đất nước, kích động gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc... Các  lực lượng này đều được gán với những từ đầy mỵ dân như: “bảo vệ tự do”, “cách mạng”, “dân chủ”, “dân tộc”, “yêu nước”,... để đánh bóng hình ảnh, tập hợp lực lượng.

Ba là, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu và có quan điểm, lời nói, hành động không đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Phong cách lãnh đạo không chuẩn mực, thiếu gương mẫu, “nói không đi đôi với làm”, “nói nhiều, làm ít”, “nói một đằng, làm một nẻo”; “tư duy nhiệm kỳ”, đề cao lợi ích trước mắt, cục bộ, địa phương, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền. Có người lợi dụng các diễn đàn công khai để lớn tiếng tỏ vẻ mình là người “bảo vệ nhân dân”, “cải cách triệt để”, công kích các cơ quan nhà nước hoặc các chính sách khi thực hiện gặp rào cản, khó khăn, qua đó đánh bóng tên tuổi, gây ảnh hưởng trong xã hội. Chủ nghĩa cơ hội, dân túy còn ẩn dấu dưới dạng “theo đuôi quần chúng”, nhân danh “quần chúng” mà bỏ qua các nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước,...

Như vậy, những biểu hiện, tác động của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy ở nước ta hiện nay đang có diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sự ổn định chính trị - xã hội. Do đó, những kinh nghiệm của Đảng ta trong đấu tranh chống thế lực tờ-rốt-xkít thời kỳ 1930 - 1945 vẫn giữ nguyên giá trị, cần được vận dụng sáng tạo, phù hợp trong đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể là:

Thứ nhất, coi trọng công tác nghiên cứu, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với những biểu hiện, mục tiêu, bản chất của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy.

Thực tế cho thấy, những biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy đang tìm cách len lỏi, đan xen trong nền chính trị - xã hội của nước ta, đặc biệt là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Đối với các tổ chức, thế lực phản động thì chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy được biện hộ bằng những khẩu hiệu, nội dung tuyên truyền, kích động mang tính mị dân... Đây là hiện thực gây khó khăn trong nhận diện và tiến hành các giải pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay. Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân biết rõ các biểu hiện cụ thể, thủ đoạn, bản chất, mục tiêu của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy; từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng là nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra. Cùng với đó, cần chú trọng phát huy hơn nữa vai trò của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các đơn vị truyền thông, lực lượng chuyên trách, chuyên sâu đấu tranh tư tưởng, lý luận ở các cấp, các ngành, các địa phương,... trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.

Thứ hai, triệt để phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng và cải tiến phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa  XII, ngày 30-10-2016, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trong quá trình cụ thể hóa các tiêu chí gắn với 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết nêu ra, các cấp ủy cần nghiên cứu và chỉ rõ những biểu hiện nào liên quan và là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy xuất hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng và phong cách lãnh đạo. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình, phê bình, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân; phòng, chống tư tưởng cơ hội chính trị và các phần tử cơ hội trong nội bộ. Đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện, các phần tử suy thoái, biến chất, cơ hội chủ nghĩa, như “chạy tuổi”, “chạy bằng cấp”, “chạy khen thưởng”, “chạy chức”, “chạy quyền”, “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”,... xuất hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. 

Thứ ba, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng trước sự tấn công của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy.

Với tính chất phức tạp về biểu hiện và tác động nguy hiểm nhiều chiều của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay, cần xây dựng lực lượng nòng cốt từ chính đội ngũ cấp ủy các cấp và lực lượng này có trách nhiệm kết nối với nhân dân để hình thành mặt trận đấu tranh rộng khắp. Thông qua sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở các cấp,... lực lượng nòng cốt này sẽ có điều kiện phát hiện và đấu tranh trực diện từng ngày, từng giờ với chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy đang len lỏi trong nội bộ Đảng hiện nay.  

Kinh nghiệm của Đảng thời kỳ 1930 - 1945 cũng cho thấy, cần thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, nhà lý luận có hiểu biết sâu rộng về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ trương, đường lối của Đảng, có tư duy, lập luận sắc bén... Họ sẽ là “lực lượng chủ công” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc huy động đội ngũ trí thức yêu nước để mở rộng mặt trận đấu tranh là kinh nghiệm quý báu của thời kỳ 1930 - 1945, và cần được vận dụng sáng tạo trong giai đoạn hiện nay. Nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh... là yêu cầu cấp bách đặt ra để góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

 

article 2 1
Các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá công cuộc đổi mới đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân (Trong ảnh: Bộ đội Biên phòng Lai Châu hướng dẫn đồng bào dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn trồng lúa nước) _Nguồn: bienphong.com.vn

Thứ tư, đa dạng hóa các phương thức đấu tranh, coi trọng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để tận dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để thực hiện các mục tiêu chống phá công cuộc đổi mới đất nước, làm phân hóa nội bộ Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân... Do đó, hơn lúc nào hết, cần đa dạng hóa các phương thức đấu tranh, tăng cường tận dụng công nghệ truyền thông hiện đại để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với những luận điệu, hành động chống phá của các lực lượng phản động. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền của ban tuyên giáo các cấp; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; huy động các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận... là những giải pháp hữu hiệu trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển kinh tế  - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy thường gây tác động mạnh nhất khi cách mạng bước vào những giai đoạn có tính chất bước ngoặt, ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức. Trong giai đoạn hiện nay, việc thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, kích động nhân dân, nhất là trong bối cảnh đời sống các tầng lớp nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... là những thủ đoạn căn bản mà các thế lực thù địch đã và đang thực hiện để chống phá công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo. Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết, trước hết... là giải pháp có tính quyết định, là “kháng chất” quan trọng để phòng, chống những quan điểm, tư tưởng, hành động phản động của các thế lực thù địch, trong đó có chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân túy./.

-----------------

(1) Nhóm Opposition de Gauche Indochinoise (Đông Dương Tả Đối lập) do Đào Hưng Long và Hồ Hữu Tường lãnh đạo; nhóm Communisme Indochinois (Đông Dương Cộng sản) do Tạ Thu Thâu lãnh đạo; nhóm Editions de Opposition de Gauche (Tả Đối lập Tùng thư) do Huỳnh Văn Phương và Phan Văn Chánh lãnh đạo
(2), (3) Luận cương về Cách mạng thường trực, Tạp chí Tháng Mười, năm 1939, tr. 16, 17
(4) Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 537
(5) Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Báo Dân chúng, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2000, t. 1 (1938 - 1939), tr. 548
(6) “Cộng sản giả, Cộng sản thiệt, Đệ tứ giả, Đệ tứ thiệt”, Tạp chí Tháng Mười, năm 1938, tr. 6
(7), (8) Hà Huy Tập: Một số tác phẩmSđd, tr. 523, 526
(9) Trần Văn Giàu: Đấu tranh tư tưởng và chính trị giữa Đảng Cộng sản và nhóm tờ-rốt-xkít trong những năm 1930, Nxb. Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 320
(10) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 627 - 628
(11), (12)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 154, 167

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

XÂY DUNG HINH MAU THANH NIEN
Khảo sát người dùng

Website này theo bạn đã tốt hay chưa?

Thanh niên Việt Nam tiến bước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xứng danh Đoàn thanh niên Bình Phước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xem thêm tại đây 
Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập141
  • Hôm nay12,794
  • Tháng hiện tại447,874
  • Tổng lượt truy cập22,532,665
Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây