Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ trẻ em an toàn trước môi trường mạng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Quang và Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Văn Xuân đã có những chia sẻ cùng Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.
Thưa ông Nguyễn Minh Quang, hiện nay nhu cầu sử dụng mạng Internet của trẻ em Bình Phước như thế nào? Trong thời gian qua, công tác quản lý về sử dụng mạng xã hội của tỉnh được thực hiện ra sao?
Tính đến tháng 9-2021, toàn tỉnh Bình Phước có gần 1,2 triệu thuê bao di động, đạt 114,62 thuê bao/100 dân; Internet có 875.900 thuê bao, trong khi dân số toàn tỉnh gần 1 triệu dân. Cho thấy, người dân trong tỉnh sử dụng điện thoại di động và Internet với tỷ lệ khá cao, kéo theo nhu cầu sử dụng Internet của trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo khảo sát, cứ 3 người sử dụng mạng Internet thì có 1 trẻ em. Các thiết bị thông minh ngày càng phổ biến rộng rãi, tiện lợi và dễ sử dụng, cùng với máy tính, vùng phủ sóng 3G, 4G và cáp quang rộng khắp trên địa bàn tỉnh nên việc tiếp cận Internet ở trẻ em cũng dễ dàng hơn.
Thời gian qua, ngành thông tin - truyền thông tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền các lợi ích và bất lợi, cùng với đó là tăng cường kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm trên không gian mạng nhằm giúp người sử dụng mạng xã hội nói chung và trẻ em nói riêng được tiếp cận thông tin an toàn, lành mạnh và các ứng dụng công nghệ thông tin hữu ích nhằm hạn chế những rủi ro và nguy hiểm khi tham gia mạng xã hội.
Thưa ông Trần Văn Xuân, là một người phụ trách về lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ông có thể phân tích rõ hơn những lợi ích nổi bật mà Internet mang lại đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em trong thời đại hiện nay cũng như những rủi ro mà Internet đem đến? Và đâu là nguyên nhân ẩn sau những rủi ro đó?
Chúng ta không thể phủ nhận những ích lợi to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người. Chúng làm cuộc sống của con người hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn, làm cho con người đến với nhau dễ dàng hơn và đây cũng là kho cung cấp tri thức của nhân loại. Đối với trẻ em, mạng Internet đã giúp trẻ khám phá được nhiều tri thức phục vụ cho việc học, vui chơi giải trí. Tuy nhiên, cùng với những ích lợi to lớn ấy, Internet và mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác hại, không chỉ đối với người trẻ tuổi mà còn đối với tất cả những ai không biết cách kiểm soát chúng.
Nhiều trẻ bị tác động tiêu cực từ mạng xã hội mà làm hại chính bản thân, các em có những hành vi cực đoan, bạo lực hoặc bị gạ gẫm quấy rối tình dục. Những kẻ xấu lợi dụng kết bạn trên mạng để khai thác thông tin cá nhân phục vụ cho việc mua bán, bắt cóc hay chiếm đoạt, hành hạ, mời gọi trẻ em chơi các trò chơi trực tuyến. Từ những clip có nội dung nhảm nhí, vô bổ, thậm chí là những clip hướng dẫn tự sát được tung lên mạng, có thể thấy những mối nguy hiểm khôn lường với trẻ nhỏ nếu phụ huynh không đủ cảnh giác và không đủ quan tâm.
Mặc dù, nước ta đã có nhiều chính sách pháp luật về việc sử dụng mạng Internet, tuy nhiên, việc triển khai ở đâu đó vẫn chưa kịp thời, chưa sát với đối tượng thanh thiếu nhi. Nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ngày 1-6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”. Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực hiện đầy đủ và có hiệu quả chương trình này sẽ giảm thiểu được những rủi ro của môi trường Internet.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc dạy và học online đã được áp dụng thực hiện cho ngành giáo dục trên cả nước. Trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay thì việc học trực tuyến có phải là giải pháp tình thế, hay là xu thế bắt buộc, thưa ông Nguyễn Minh Quang?
Hiện nay, chúng ta thấy đã có rất nhiều nền tảng khác nhau để hỗ trợ việc học trực tuyến. Tuy nhiên, việc học trực tuyến ở tỉnh ta vẫn gặp không ít những khó khăn đối với học sinh và cả phụ huynh. Nhất là với những gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ không chỉ thiếu thiết bị hỗ trợ học tập mà thiếu cả kỹ năng sử dụng mạng Internet. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 85 thôn, ấp, 118 trường học chưa có đường truyền; 644 điểm, thôn, ấp, trường học đường truyền yếu; 31 điểm, thôn, ấp, trường học chưa có sóng 3G, 4G với khoảng 15.000 học sinh không có thiết bị học tập trực tuyến.
Mặc dù việc học trực tuyến còn gặp khó khăn, nhưng không phải không làm được, chúng ta phải cùng nhau tìm cách khắc phục và vượt qua, biến thách thức thành cơ hội. Chúng ta sẽ dần có những biện pháp hỗ trợ những em khó khăn theo kịp chương trình bằng những chính sách phù hợp, không thể vì phần nhỏ khó khăn mà dừng cả hệ thống. Dịch bệnh vẫn còn kéo dài và không ai có thể dự đoán được thời gian kết thúc, việc dừng học tập trong thời gian dài sẽ khiến thế hệ trẻ bị tụt hậu. Đồng thời dẫn đến việc quá tải học sinh khi dịch bệnh chấm dứt, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục trong tương lai. Phương án nào cũng không thể đáp ứng và thỏa mãn 100% nhu cầu của phụ huynh lẫn học sinh. Tuy nhiên, chúng ta buộc phải lựa chọn hướng đi có lợi nhất trong thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, phải xác định rằng, dạy và học theo hướng trực tuyến không những là giải pháp hữu hiệu mang tính “tình thế” trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà còn là một trong những “giải pháp chiến lược”, góp phần đổi mới quản trị cơ sở giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo; phát huy tiềm lực cá nhân hóa của người dạy, người học và của cơ sở giáo dục. Học trực tuyến sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục khi không thể đến trường vì những lý do khách quan; tạo cơ hội cho người dạy và người học chủ động tiếp cận được nguồn học liệu vô cùng phong phú, sinh động trên Internet để khai thác, vận dụng vào giảng dạy và học tập. Trong thời đại 4.0, học trực tuyến là xu thế tất yếu trên thế giới, ai nhanh chóng tìm cách thích nghi sẽ vươn lên, ngược lại, nếu cứ than khó, kể khổ thì sẽ bị tụt hậu, đào thải.
Sở Thông tin - Truyền thông sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp viễn thông có giải pháp phù hợp tiếp tục hỗ trợ thiết bị học trực tuyến; hỗ trợ giá cước viễn thông, internet cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn. Cùng với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức các cuộc khảo sát, đánh giá, qua đó tham mưu với UBND tỉnh triển thực hiện các biện pháp giúp các em tiếp cận với việc học trực tuyến thuận tiện nhất. Huy động nhiều nguồn lực cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục tiêu 100% học sinh trên địa bàn tỉnh đều được tiếp cận đều kiện học tập như nhau.
Thưa ông Trần Văn Xuân, ông suy nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của giáo viên và phụ huynh trong việc giáo dục, hướng dẫn học sinh học tập trực tuyến một cách an toàn, hiệu quả trong giai đoạn các em đang bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19?
Tôi cho rằng, đây thực sự là một thách thức lớn cho ngành giáo dục. Bình thường học trực tiếp trên lớp đã khó quản lý, bây giờ phải học trực tuyến lại càng khó hơn nhiều lần. Đặc biệt đối với học sinh tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng, các em chưa có thói quen học qua mạng, nên có thể tùy tiện làm bất cứ việc gì trong giờ học mà giáo viên rất khó có thể quản lý. Do đó, ngay từ đầu giáo viên cần có nội quy cụ thể phù hợp với môi trường mạng, hướng dẫn các em làm quen dần với cách học này, làm sao để các em tập trung hơn, ổn định hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời, giáo viên cũng cần trau dồi kỹ năng sử dụng Internet, xây dựng giáo án sao cho mềm, phong phú, hấp dẫn, dễ tiếp thu. Tránh cung cấp một lượng kiến thức quá lớn, khô khan không phù hợp với việc học trực tuyến.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong bối cảnh hiện tại, phụ huynh nên đồng thuận với phương án học tập trực tuyến. Phụ huynh cần đồng hành với giáo viên hướng dẫn, quản lý các em trong giờ học. Tránh để các em lợi dụng thời gian học trực tuyến để lên mạng theo mục đích riêng, gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Dành nhiều thời gian hơn cùng các em khám phá những trang web, trang mạng xã hội, ứng dụng lành mạnh, giàu tri thức phục vụ việc học tập.
Việc học tập trực tuyến khiến thời gian trẻ tiếp xúc với mạng Internet tăng cao và khó quản lý. Vậy theo ông Nguyễn Minh Quang, các bậc cha mẹ phải làm gì để giúp trẻ hạn chế gặp những rủi ro khi khai thác, sử dụng tài nguyên trên không gian mạng?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi sinh hoạt, học tập, vui chơi của trẻ nhỏ đều bị gói gọn trong môi trường của gia đình, khiến thời gian trẻ sử dụng các thiết bị Internet phục vụ cho việc học tập, giải trí tăng cao. Đây được coi là xu thế tất yếu, đã được dự báo. Do đó, cha mẹ phải đồng hành cùng với con, để các con có thể tương tác lành mạnh và tích cực trên môi trường mạng, nhưng không rơi vào tình thế các con cho rằng, phụ huynh kiểm soát quá mức, các con bị mất quyền riêng tư trên mạng. Vì thế, cha mẹ, người thân trong gia đình nên tìm hiểu những mẹo công nghệ giúp bảo vệ trẻ trên môi trường mạng như: Cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ; bật tính năng tìm kiếm an toàn trên trình duyệt; cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến; hướng dẫn các con che/tắt webcam khi không sử dụng…
Hiện nay, có những phần mềm hoặc ứng dụng hữu ích giúp các con hạn chế gặp những rủi ro khi khai thác, sử dụng tài nguyên trên không gian mạng như: Family link trên hệ điều hành Android, trên tivi; sử dụng ứng dụng Youtube Kid trên điện thoại; đăng nhập tài khoản Google để xem lịch sử máy tính để biết được nội dung trẻ truy cập; dùng Microsoft Family, Facebook Kid để tạo tài khoản cho trẻ sử dụng trên mạng xã hội…
Thưa ông Trần Văn Xuân, ông có đề xuất gì đối với phụ huynh và các cơ quan, ban, ngành liên quan nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm của giới trẻ khi tham gia mạng Internet nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực?
Mạng Internet là mạng xuyên biên giới, mỗi quốc gia đều có những hệ thống pháp luật riêng, mỗi nền văn hóa riêng. Việc quản lý mạng Internet luôn đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan nhà nước ở tất cả các chính quyền, kể cả ở những nước phát triển. Vì vậy, việc quản lý mạng Internet muốn đạt được hiệu quả cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của người sử dụng.
Đối với cơ quan quản lý truyền thông cần hoàn thiện hành lang pháp lý, giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những thông tin, hành vi vi phạm, trái với quy định, ngăn chặn những thông tin xấu trên mạng có nguy cơ xâm hại trẻ em, tạo môi trường an toàn trên mạng cho trẻ; xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cần tích cực tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; những chuẩn mực, mẹo sử dụng Internet và mạng xã hội thiết thực, hiệu quả phục vụ học tập, giải trí, nâng cao đời sống dân trí…
Tuy nhiên, gia đình vẫn là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ mất an toàn trên mạng. Phụ huynh cần đồng hành với con em mình trong việc sử dụng mạng Internet, giúp trẻ có nhận thức đúng đắn, sử dụng mạng một cách thiết thực cho học tập và cuộc sống. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cấm hay hạn chế các em kết nối mạng mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại.
Sự chung sức của cả cộng đồng, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội và sự chủ động của chính trẻ em sẽ là liều “vắc xin” hữu hiệu giúp thiết lập một môi trường lành mạnh ngoài đời cũng như trên không gian mạng giúp trẻ em phát triển toàn diện.
Nguồn tin: baobinhphuoc.com.vn: (VH)
Ý kiến bạn đọc