TẬP HỢP, GÂY DỰNG PHONG TRÀO TRONG NÔNG DÂN
Nhiệm kỳ 2018-2023, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng nông nghiệp Bình Phước vẫn có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Dưới sự tổ chức, lãnh đạo điều hành của hội nông dân các cấp, phong trào nông dân ở hầu khắp các địa phương đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Các cấp hội đã kết nạp 23.003 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 92.500 người, tăng 4.380 hội viên so với đầu nhiệm kỳ. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 15.760 hội viên nòng cốt, trong đó có 4.651 hội viên là đảng viên. Với việc không ngừng đổi mới, đa dạng cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, hội nông dân các cấp đã tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên cập nhật thông tin kịp thời về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khoa học - kỹ thuật, thời tiết, giá cả thị trường...
Ông Phạm Văn Cường, Chủ nhiệm Hội quán cây măng cụt xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản chia sẻ: Hội quán là mô hình đầu tiên của huyện Hớn Quản và tỉnh Bình Phước. Trong quá trình hoạt động từ tháng 5-2022 đến nay, cùng với định hướng về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của hội nông dân các cấp, nguồn vốn 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho hội viên đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, hội quán có 11 hội viên, tăng 1 hội viên so với thời điểm ra mắt, với tổng diện tích 12 ha cây măng cụt.
TIẾP SỨC HỘI VIÊN
Nhiệm kỳ qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã chủ động bảo lãnh, phối hợp với doanh nghiệp cung ứng 12.952 tấn phân bón, 1.698 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 23.557 sản phẩm giống cây trồng và vật nuôi, 240 máy nông nghiệp các loại cho hội viên theo hình thức trả chậm. Đồng thời, các cấp hội phối hợp ngành chức năng tổ chức được 3.820 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 198.640 lượt nông dân, tập trung vào ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, phòng và trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGap, mã số vùng trồng... Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã vận động, giúp đỡ 2.194 hộ hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 1,03%; vận động xây dựng 60 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo, khó khăn về nhà ở.
Ông Lê Văn Gáy ở thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập chia sẻ: Từ miền Tây lên Bình Phước lập nghiệp hơn 16 năm, gia đình đông con, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống nên rất khó khăn, không có điều kiện xây dựng nhà ở. Được chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân xã vận động mạnh thường quân xây tặng căn nhà, tôi rất phấn khởi và luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với tổ chức Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước duy trì hằng năm, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ 500 lượt nông dân giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, festival nông nghiệp, hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh. Hội Nông dân tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức bình xét và công nhận 26 sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu của tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, các cấp hội đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hơn 2.000 tấn nông sản cho nông dân trong và ngoài tỉnh.
PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NÔNG DÂN
Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các hoạt động tham mưu, chỉ đạo điều hành của Ban Thường vụ Hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, tác động tích cực đến công tác hội và phong trào nông dân. Hội nông dân các cấp trong tỉnh luôn chú trọng, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội về chính trị, tư tưởng. Sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền đối với nông dân đã kịp thời khuyến khích nông dân phát huy nội lực vươn lên, liên kết sản xuất, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua tổ chức hội, cấp ủy, chính quyền các cấp đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, quyết tâm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra với mục tiêu tổng quát phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp, nhất là cấp chi và cơ sở hội có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tâm huyết, năng lực tập hợp, vận động nông dân; thực hiện tốt các nhiệm vụ của hội, phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân, tuyên truyền đến hội viên, nông dân thực hiện Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh TRẦN VĂN VINH |
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nông nghiệp là một trong những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên phát triển. Các mục tiêu cụ thể gồm: Phát triển nông nghiệp với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Tạo vùng nguyên liệu, chế biến và hình thành liên kết chuỗi giá trị. 3 ngành trọng điểm là: Chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp. 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Chăn nuôi, hạt điều, sản phẩm từ gỗ. Với tinh thần “Đoàn kết - dân chủ - sáng tạo - hợp tác - phát triển”, hội nông dân các cấp sẽ tập trung tối đa nguồn lực, đưa công tác hội và phong trào nông dân lên tầm cao mới với hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, phấn đấu thực hiện đạt và vượt 15 chỉ tiêu và 2 nhiệm vụ đột phá đã đề ra, trong đó vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân được khơi dậy, phát huy, tiếp tục là động lực quan trọng góp phần phát triển nền nông nghiệp, xây dựng Bình Phước ngày càng giàu mạnh.
Nguồn tin: Trần Cảnh - baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc