Phải đương đầu với một kẻ thù hung bạo, có tiềm lực và sức mạnh quân sự, kinh tế, trình độ khoa học, công nghệ hiện đại hơn gấp nhiều lần nên sau khi có Nghị quyết Trung ương 15 (1959), Đảng ta chủ trương chuyển hướng chiến lược của cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cũng từ đó, nhu cầu chi viện cho các chiến trường miền Nam ngày càng lớn.
Ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn Vận tải biển 759. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Đoàn 125 Hải quân. Ngay sau khi ra đời, Đoàn 759 đã xác định phương châm vận chuyển: Kết hợp hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp; lấy hoạt động hợp pháp làm phương thức chủ yếu. Trong quá trình vận chuyển, đơn vị phải chủ động, táo bạo, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng đến bến; đồng thời phải có các phương án linh hoạt để đối phó khi bị phát hiện. Trong trường hợp bị địch phát hiện, phải kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng; nếu cần thì nổ tàu để giữ bí mật...
Trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu, thuyền, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn.
Có thể nói, tuyến vận tải chiến lược-Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại, một kỳ tích của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới, hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm cho các chiến trường mà còn là nét độc đáo, sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự sáng tạo trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến-nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển tạo thành hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược trên chiến trường Nam Bộ là cánh đông và cánh tây. Mỗi tuyến vận tải chiến lược có vị trí, vai trò khá độc lập, nhưng đặt trong tổng thể đã tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch chủ đạo và hoàn chỉnh để chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng quân thù. Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện quyết tâm chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, thiết bị hiện đại, tối tân, ta mới chỉ có những loại tàu, thuyền nhỏ bé, thô sơ, nhưng với tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc, chúng ta đã biết dựa vào khả năng to lớn của nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, từng bước đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc, với một quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển, đó là dám đánh, biết đánh và biết thắng Mỹ. Có được điều đó là nhờ Đảng ta đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật giành thắng lợi từng bước trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược trên biển. Các lực lượng trong quá trình làm nhiệm vụ, đặc biệt là Quân chủng Hải quân đã nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, huấn luyện chu đáo, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để công tác vận tải đạt kết quả cao nhất. Các cấp lãnh đạo, chỉ huy quân chủng đã tham mưu đúng, trúng, chỉ huy thống nhất, quyết đoán, linh hoạt, liên tục và bí mật; triệt để tận dụng thời cơ, đa dạng hóa phương pháp vận tải để chuyển hóa thế trận, làm chủ các tình huống.
Trong quá trình mở tuyến vận tải quân sự trên biển, chúng ta còn biết chọn đúng thời cơ; kết hợp hoạt động bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến (kể cả ở nước ngoài), cập bến ở nhiều điểm; đi trên nhiều cung, tuyến khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, hải phận quốc tế; địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn, địch bám đuôi, ta đi ra vùng biển quốc tế, khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu để giữ bí mật...
Thiếu tướng, PGS, TS VŨ QUANG ĐẠO - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Nguồn tin: doanthanhnien.vn: (VH)
Ý kiến bạn đọc