Số hóa quy trình chế biến
Cơ sở chế biến điều Hoàng Long ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp của gia đình bà Nguyễn Thị Hương hiện có 3 nhà máy hoạt động. Công suất trung bình mỗi tháng đạt 1.500 tấn điều nguyên liệu. Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện nhiều thời điểm công suất cơ sở chế biến điều này đạt khoảng 3.000 tấn điều nguyên liệu/tháng. Sản lượng điều nhiều như vậy cở sở phải sử dụng nguồn nhân công lớn nếu chế biến theo lối thủ công truyền thống. Thế nhưng, nhờ hệ thống máy móc hiện đại được đầu tư đồng bộ, mỗi công đoạn trong dây chuyền sản xuất từ vận chuyển điều nguyên liệu vào kho, hấp nhiệt, bóc tách, làm ẩm, phân loại đến đóng gói thành phẩm chỉ do vài công nhân đảm nhiệm. Hầu hết các khâu trong dây chuyền chế biến điều ở cơ sở này đã được tự động hóa bằng hệ thống máy móc hiện đại. Vì vậy, từ chỗ người trực tiếp sản xuất thì giờ đây trở thành người điều khiển. Công việc chuyển từ lao động tay chân sang lao động trí óc.
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Gia đình tôi gắn bó với ngành chế biến điều hơn 20 năm. Chúng tôi quá hiểu những hạn chế của sản xuất thủ công. Tôi lấy ví dụ, sản xuất thủ công sản lượng rất ít, để bóc tách được 1 tấn nguyên liệu mất mấy ngày, đó là chưa tính các khâu khác. Chính vì vậy, vài năm gần đây gia đình đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để tự động hóa quy trình chế biến ở cả 3 nhà máy. Chúng tôi giờ chủ động được sản lượng, chất lượng điều cũng nâng lên, chi phí sản xuất giảm. Lợi nhuận chính là ở điểm này.
Hiệu quả tức thời
Trong xu thế cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường thì làm mới mình bằng việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, ngành hàng “nhạy cảm” với thị trường như điều thì khoa học - công nghệ không chỉ đơn thuần là giải pháp kỹ thuật mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển. Vì vậy, áp dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất chế biến điều cũng không còn là câu chuyện đơn lẻ. Công ty TNHH TM - DV - XNK Bảo Ngân, xã Thanh Hòa là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này ở Bù Đốp. Hiện nay, toàn bộ quá trình chế biến điều của doanh nghiệp này đều được tự động hóa.
“Năm 2020, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, áp lực sản lượng đã ký kết với đối tác, chúng tôi đã đầu tư thêm gần 2 tỷ đồng để mua bổ sung máy bắn màu phân loại hạt điều. Đầu tư ban đầu cho riêng khâu phân loại này dù tốn nhiều nhưng đem lại hiệu quả tức thời” - anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH TM - DV - XNK Bảo Ngân chia sẻ.
Để chứng minh lời nói của mình, anh Thắng đã cho vận hành chiếc máy bắn màu phân loại điều mà công ty vừa lắp đặt. Chỉ với 2 công nhân trực tiếp đứng máy cùng vài thao tác đơn giản trên bảng điều khiển điện tử đã được lập trình sẵn, chưa đầy 10 phút chiếc máy này đã có thể phân loại hàng tấn điều thành 4 loại khác nhau dựa theo kích cỡ và chất lượng.
“Giờ đây, việc áp dụng khoa học - công nghệ đã trở thành yêu cầu tất yếu của sự cạnh tranh mà tất cả doanh nghiệp điều phải đối mặt. Khoa học - công nghệ trở thành yếu tố then chốt của ngành chế biến - sản xuất điều. Chính vì vậy, Hiệp hội Điều Việt Nam chủ trương phải đẩy mạnh việc này. Đối với doanh nghiệp phải chủ động thiết bị kỹ thuật, cải thiện công nghệ, điều này rất quan trọng. Thời gian qua, Hiệp hội Điều Việt Nam đã chủ động kết nối với các địa phương và doanh nghiệp điều, trong đó có Bình Phước để thực hiện bước đi này”. |
Ông Phạm Văn Công Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam |
Anh Thắng cho biết thêm: “Máy bắn màu này là loại hiện đại nhất hiện nay. Tùy vào lập trình cài đặt, máy của công ty đang phân điều làm 4 loại. Công suất chúng tôi đang chạy khoảng 10-15 tấn/ngày. Nếu làm thủ công khối lượng này cần 70-80 công nhân. Việc áp dụng công nghệ vào sâu trong chế biến công ty đã chủ động được công suất, sản lượng. Từ đó, ký hợp đồng cung cấp với đối tác mà không phải lo lắng hụt sản lượng như trước đây”.
Con đường phải đi
Chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước, Bình Phước chính là “thủ phủ” của cây điều Việt Nam. Ngoài diện tích và sản lượng lớn, điều Bình Phước còn được đánh giá về chất lượng. Điều này cho phép tỉnh có những tính toán dài hơi đối với loại cây trồng truyền thống này. Mới đây, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu là đến năm 2030, giữ nguyên công suất chế biến hạt điều 500.000 tấn/năm, trong đó chế biến sâu từ 10.000 tấn năm 2020 lên 30.000 tấn vào năm 2030. Mục tiêu này cho thấy tỉnh đặc biệt quan tâm đến ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị ngành điều. Thời gian qua, tỉnh cũng đã nhiều lần làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), một trong những vấn đề được cả 2 bên quan tâm là thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất chế biến.
Ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng nghĩa với chi phí tốn kém. Đây cũng chính là “rào cản” khiến không ít doanh nghiệp điều, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ hay cơ sở chế biến chậm cải tiến công nghệ. Giờ đây, dưới áp lực cạnh tranh để tồn tại, phát triển thì áp dụng khoa học - công nghệ vào chế biến điều không còn là câu chuyện của “doanh nghiệp nhà giàu” mà đã trở thành con đường phải đi của tất cả doanh nghiệp điều nếu muốn tồn tại, phát triển. Điều đáng mừng là đã có nhiều doanh nghiệp nhận ra điều này để từ đó có sự đầu tư đúng hướng, đúng mức vào công nghệ đem lại hiệu quả cao.
Nguồn tin: baobinhphuoc.com.vn (VH)
Ý kiến bạn đọc