Covid-19 vẫn luôn chực chờ tấn công lúc chúng ta lơ là, thiếu cảnh giác
Thứ hai - 18/10/2021 03:201.1280
Hiện nay các địa phương từng bước thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội. Từ tâm lý nới lỏng đó và tư tưởng sau các đợt dịch Covid-19 xảy ra, cứ sau mỗi đợt giãn cách dài, tâm lý chủ quan rất hay xuất hiện, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan vì các biến thể của Covid-19 rất nguy hiểm.
Chúng ta đang dần chuyển trạng thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục. Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, cho dù dịch bệnh đã được cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để tự bảo bảo vệ mình, bảo vệ cho người thân và toàn xã hội. Thực hiện nghiêm 5K + ý thức của mỗi người sẽ là căn cơ cho phòng chống dịch.
Thực hiện nghiêm 5K + ý thức của mỗi người sẽ là căn cơ cho phòng chống dịch. Số ca nhiễm mới mỗi ngày có xu hướng giảm xuống, số ca ra viện tăng. Những bệnh viện dã chiến tại các vùng tâm dịch cũng đang vắng dần bóng người. Ngày 10/10, những chuyến bay nội địa đầu tiên đã được nối lại, đánh dấu một trong những bước đi trên chặng đường trở lại “bình thường mới”. Tại một số địa phương, khi dịch COVID-19 được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dần được khôi phục, trong đó có hoạt động du lịch, trước mắt là du lịch nội tỉnh.
Những kết quả đó thực sự không dễ gì có được, mà là sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân, là mồ hôi, xương máu của lực lượng tuyến đầu. Và kết quả đó vẫn chưa thực sự chắc chắn bởi chúng ta chưa đạt được miễn dịch cộng đồng khi tổng số liều vaccine tính đến hôm nay 17/10 mới được tiêm hơn 62,4 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là 43,8 triệu liều, tiêm mũi 2 khoảng 18,6 triệu liều. Trong tình hình như vậy, nếu chủ quan, thiếu cảnh giác thì “một đốm lửa nhỏ cũng có thể trở thành đám cháy lớn” khi chỉ cần 1 ca (với biến chủng “siêu lây nhiễm” Delta) không kịp thời được phát hiện là có thể trở thành ổ dịch. Tình trạng này đã khiến nhiều nước trên thế giới vừa mở cửa rồi lại phải đóng để kiểm soát dịch.
Theo số liệu thống kê hàng ngày, tình hình dịch vẫn cao qua các con số, tính từ 17h ngày 15.10 đến 17h ngày 16.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.221 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 3.211 ca ghi nhận trong nước (giảm 578 ca so với ngày trước đó) tại 48 tỉnh, thành phố (có 1.172 ca trong cộng đồng).
Hiện nay, ở một số địa phương xuất hiện hiện tượng người dân lơ la, chủ quan, không áp dụng biện pháp bảo vệ khi tiếp xúc nhiều người nơi công cộng. Sau thời gian dài căng thẳng, khi các ca lây nhiễm đã giảm, không ít cá nhân, đơn vị có tâm lý "xả hơi", bỏ qua công tác phòng, chống dịch…
Với dịch bệnh này, chưa có gì là chắc chắn. Tuy nhiên, cũng không thể đóng cửa mãi. Đến nay, nhiều nước đã từ bỏ chiến lược “zero-COVID” mà chuyển sang “sống chung an toàn với dịch”. Virus liên tục biến chủng để tồn tại. Trong bối cảnh "chỉ có sự thay đổi là chắc chắn", muốn tồn tại và thành công chúng ta cũng cần phải thích nghi và điều chỉnh để trở nên mạnh mẽ hơn. Với mỗi người dân, trong khi chờ đợi vaccine được phổ biến, việc đầu tiên nên làm là chủ động phòng dịch, tự chăm sóc sức khỏe, sống lạc quan.
Trong “trạng thái bình thường mới”, một số hoạt động đang dần trở lại bình thường, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục đòi hỏi các giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Mỗi người dân cần tự ý thức, hết sức cân nhắc để tự hạn chế và kiểm soát nhu cầu như nhu cầu đi lại, nhu cầu giao tiếp, tụ tập nơi đông người… của bản thân. Đồng thời, tăng thời gian làm việc tại nhà, nhận hàng hóa tại nhà; cân bằng nhu cầu sống và làm việc trong một không gian hạn chế.
Mỗi người dân cần tự tạo thói quen với “trạng thái bình thường mới”. Ví dụ việc hạn chế người vào thăm, động viên bệnh nhân trong bệnh viện là rất cần thiết trên nhiều khía cạnh về bảo đảm y tế, vệ sinh dịch tễ, văn hóa và quan hệ xã hội. Tại những nơi tập trung đông người tiếp xúc gần, có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19, thay vì thường xuyên diễn ra trong không gian khép kín và đông đúc như trước đây, các hoạt động này cần hướng đến xu hướng được tổ chức trong không gian mở, ngoài trời để giãn cách. Hay cũng phải phải điều chỉnh và giảm bớt nhiều hành vi sinh hoạt có “nguy cơ lây nhiễm cao” như tụ tập nhậu nhẹt… Ý thức tự thân, sự lạc quan và khả năng thích nghi trở thành những nhân tố cơ bản để mỗi cá nhân sống an toàn cùng dịch bệnh trong trạng thái "bình thường mới".
COVID-19 vẫn luôn chực chờ tấn công lúc chúng ta lơ là, thiếu cảnh giác. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch.
Ý thức với bản thân và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu, là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch. Chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường. Mặc dù hiện nay, đạt trạng thái “zero-COVID” là rất khó nhưng thêm một người mắc bệnh, thêm nguy cơ tiếp tục truyền bệnh cho người khác, kéo theo sự bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng.
Và về phía các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp, cũng cần tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả, như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sự nôn nóng, chủ quan trong mở cửa trở lại có thể xóa đi những thành quả quan trọng trong phòng chống dịch./.
Thanh niên Việt Nam tiến bước (Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)Xứng danh Đoàn thanh niên Bình Phước (Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)Xem thêm tại đây