Từ nạn mua thần, bán thánh…
Lợi dụng nhu cầu đi lễ chùa dịp đầu năm mới của người dân, nhiều cá nhân, tổ chức đã thực hiện các hoạt động nhằm thu lợi bất chính như cúng thuê, đổi tiền lẻ với mức chênh lệch khá cao, bán vật phẩm phong thủy và giữ xe giá cao, xem bói, dâng sao giải hạn... Đáng nói là không ít người coi việc đến các đền, chùa và rải tiền lẻ giống như một “giao ước” với thần, phật để mong cầu điều may mắn đến với mình. Bởi thế mà đi bất cứ đền, chùa nào cũng dễ dàng thấy những hành động như nhét tiền vào tay các tượng phật hay ném tiền xuống hồ cá… tạo hình ảnh phản cảm, làm mất đi nét đẹp vốn có của việc phát tâm công đức cũng như những ước nguyện thiện lành nơi cửa phật.
Lễ hội nào cũng có nguồn gốc từ tâm linh và văn hóa truyền thống. Thế nhưng điều dễ nhận thấy là những sự kiện, lễ hội lâu đời càng thu hút đông du khách lại càng bị lợi dụng. Tại một số đền, chùa có tiếng là linh thiêng như chùa Hương ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), đền Bà chúa Kho ở tỉnh Bắc Ninh, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh ở tỉnh Quảng Bình… tình trạng giành nhau bán lễ và khấn thuê với giá “chặt chém” diễn ra khá phổ biến. Vài năm trước, ở một số địa phương còn tái hiện những tục lệ phản cảm và thiếu tính nhân văn như chém lợn ở Bắc Ninh, đâm trâu ở một bộ phận đồng bào Ba Na ở Tây Nguyên… Đặc biệt, tục cúng sao giải hạn hoàn toàn là việc làm mê tín dị đoan và không có trong giáo lý nhà phật lại được không ít chùa tổ chức cúng giải hạn với quy mô lớn và coi đây là nguồn thu đáng kể của nhà chùa vào mỗi dịp đầu năm.
Bên cạnh những hủ tục và biến tướng nêu trên, ở nhiều nơi, một số người đến chùa lại diện bộ đồ thiếu vải hoặc trong suốt, hớ hênh đứng cúi hoặc quỳ để khấn vái rất phản cảm. Ở một số đền, chùa khu vực phía Bắc như đền Trần (tỉnh Nam Định), chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình), chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh), Hội Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội)… thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau để xin ấn, cướp lộc. Dù những hủ tục và sự lộn xộn ở một số đền, chùa đã được chấn chỉnh nhưng điều xấu xí, mê tín dị đoan vẫn “khoác tấm áo” tâm linh thần bí xuất hiện ở không ít đền, chùa.
…đến những hệ lụy
Vài năm trước, vào dịp sau tết, tình trạng cán bộ, công chức nghỉ phép hoặc bỏ nhiệm sở đi lễ chùa khá phổ biến. Nhiều cơ quan, đơn vị còn “lách luật” bằng cách lập kế hoạch đi học tập kinh nghiệm rồi sử dụng xe công thay phiên nhau đi lễ chùa. Từ khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, công chức sử dụng xe công, bỏ nhiệm sở đi lễ chùa và có các hình thức xử lý nghiêm thì tình trạng này giảm hẳn. Việc nhiều người dồn đến các đền, chùa trong cùng một thời gian đã gây ra không ít hệ lụy cùng những rủi ro khó tránh. Nhiều người chen lấn, xô đẩy vào chùa để cầu may nhưng may đâu chưa thấy đã gặp bao rủi ro trên hành trình cầu xin ấy. Dịp sau tết Nguyên đán năm ngoái, 1 xe chở khách từ tỉnh Thanh Hóa vào Nghệ An đi lễ chùa đã gặp nạn khi đâm vào xe đầu kéo dừng bên đường khiến 1 người tử vong, 20 người bị thương. Rồi chiều 29-1-2023, trên địa bàn thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một xe chở khách trên đường đến chùa Ba Vàng bị mất lái khi đang xuống dốc đã gây tai nạn khiến 1 người tử vong. Và còn rất nhiều vụ va chạm giữa các xe gắn máy trên đường đi lễ chùa hoặc gặp các tai nạn khác như mất cắp, bị lừa hoặc bị ép mua hàng giá cao. Một tệ nạn khác là việc đốt đồ lễ, vàng mã ở các đền, chùa, điển hình là ở đền Ông Hoàng Mười (tỉnh Hà Tĩnh); bán thịt thú rừng giả cho khách tham quan ở chùa Hương. Đặc biệt là tình trạng xả rác vô tội vạ ở các lễ hội, khu du lịch tâm linh. Ước tính của cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày Khu di tích chùa Hương thải ra từ 3-5 tấn rác thải, ngày cao điểm lên tới 10 tấn. Các khu du lịch tâm linh khác như núi Cấm (tỉnh An Giang), Tràng An (tỉnh Ninh Bình)… cũng bị rác thải bủa vây.
Cần khẳng định, đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh mang tính truyền thống của người Việt. Nét đẹp văn hóa ấy xứng đáng được gìn giữ một cách nghiêm cẩn. Thế nên, những biến tướng và hệ lụy đáng lên án trong hoạt động tâm linh cần sớm được chấn chỉnh, để những giá trị tín ngưỡng, tâm linh tốt đẹp ngàn đời của dân tộc mãi được lưu truyền đúng với giá trị của nó.
Nguồn tin: Thảo Linh - baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc