Xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Thứ sáu - 14/05/2021 03:22 1.436 0
Những ngày này, khắp nơi trong cả nước diễn ra các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15-5-1941 - 15-5-2021). Kỷ niệm 80 năm thành lập Đội là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để các thế hệ cán bộ phụ trách Đội và các em đội viên, thiếu nhi cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của tổ chức Đội; là dịp để các cấp bộ Đội thể hiện tình cảm tri ân với những đóng góp, cống hiến của đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi các thời kỳ.

Nhân dịp này, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; nguyên: Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Sông Bé - Nguyễn Văn Thỏa.

Từ khi Đảng ta được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng và luôn coi đây là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt của Đảng, của dân tộc ta.

Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm ta phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm ta phải trồng người”, chúng ta càng thấy rõ Bác luôn quan tâm đến chiến lược phát triển con người. Bác coi con người là nhân tố cốt lõi trong sự phát triển của đất nước để xây dựng dân tộc Việt Nam ta trở nên khỏe mạnh, cường tráng và thông thái.

Từ yếu tố con người là trung tâm của sự phát triển đất nước, Bác Hồ càng coi trọng vị trí, vai trò của các em thiếu niên, nhi đồng. Điều đó thể hiện lúc sinh thời, dù luôn bận với việc nước nhưng Người vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ măng non. Bởi theo Bác, chính thế hệ này sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. 
 

1620945759943 05424114052021
Dù bận việc nước, Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng

Bác Hồ thường có thư gửi các cháu mỗi dịp khai trường, Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi. Lời lẽ trong thư luôn ân cần, trìu mến, chí tình. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9-1945, Bác đã nói lên tầm quan trọng của các em: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Chính tình thương bao la và sự kỳ vọng dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền phong (15-5-1941 - 15-5-1961), Bác đã có thư gửi Thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Trong thư Bác đã đề ra 5 điều cho các cháu thực hiện “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốtĐoàn kết tốt, kỷ luật tốtGiữ gìn vệ sinh thật tốtKhiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
 

1 05434514052021
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho thiếu niên, nhi đồng năm 1961

Có thể nói 5 lời dạy này không phải chỉ để dành cho thiếu nhi học tập và làm theo, mà Bác còn muốn nhắn nhủ đến trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, giáo dục toàn diện cho thiếu nhi ngay từ nhỏ, khi còn trên ghế nhà trường.

Ba tháng trước ngày đi xa, Bác Hồ của chúng ta vẫn luôn một tư tưởng, tình cảm coi trọng và yêu thương thiếu nhi Việt Nam. Người luôn mong muốn toàn hệ thống chính trị và xã hội phải cùng chăm lo, giáo dục cho thiếu nhi. Người viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Trong Bản di chúc, Bác Hồ cũng đã 2 lần nhắc đến các cháu nhi đồng và Người đã dành muôn vàn tình thương yêu của mình cho các cháu nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế. 

Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong Di chúc của mình, Bác còn gửi gắm một nhiệm vụ rất cốt lõi dành cho Đảng, Nhà nước, nhân dân ta trong công tác thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Đó là: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết” và câu nói “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...”. 
 

1620945759989 05424114052021
Bác Hồ quàng khăn đỏ cho Đội TNTP Hồ Chí Minh

Điều đó một lần nữa khẳng định tình yêu thương, sự nhìn nhận, đề cao vai trò của thiếu niên, nhi đồng cho sự nghiệp cách mạng và sự phát triển tương lai đất nước của Người. Từ tầm cao tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh nên trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta càng xác định rõ phải xây dựng “Một xã hội, Xã hội Chủ nghĩa: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển”.

Ngày nay, cách mạng Việt Nam đã dần bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu đề ra cho chặng đường hơn 20 năm tới là khát vọng non sông, nhằm khơi dậy tiềm năng trí tuệ và sức sáng tạo của tất cả con người Việt Nam. 

Nó không chỉ dừng lại ở ý muốn, tình cảm đơn thuần mà đòi hỏi có sự thông minh, dũng cảm, sáng tạo, quyết liệt không ngừng nghỉ của các thế hệ Việt Nam để tạo ra một thời đại mới, thời đại phát triển văn minh. Một dân tộc có thể trạng tốt, có trí tuệ, đạo đức, nhân cách tốt để đảm đương trọng trách trước lịch sử dân tộc là đưa đất nước ta sánh vai cùng với các cường quốc năm châu trên thế giới.

Thấm nhuần lời dạy của Đảng, Bác Hồ kính yêu, để nâng cao vị thế, vai trò, chất lượng công tác Đội và phong trào thiếu nhi, chúng ta cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng tầm nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm chiến lược của công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta cần phải có một nhận thức mới một cách đồng bộ, toàn diện về vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong hệ thống chính trị cũng như mối quan hệ với cộng đồng xã hội. Để từ đó công tác Đội và phong trào thiếu nhi sẽ luôn giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Hai là, thường xuyên bổ sung hoàn thiện, kịp thời hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Đồng thời làm tốt công tác vận động xã hội, huy động nguồn lực xã hội để mọi cấp, mọi ngành, mọi gia đình và mọi người đều quan tâm, có trách nhiệm, cùng hành động để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Đặc biệt, mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội phải trở thành tấm gương sáng cho các em thiếu niên, nhi đồng noi theo. 

Ba là, xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp thật vững mạnh và tổ chức Đoàn phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình là tổ chức được Đảng, Bác Hồ giao trọng trách trực tiếp dìu dắt, hướng dẫn Đội TNTP Hồ Chí Minh. Nghĩa là tổ chức Đoàn phải tham mưu cho Đảng, chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật trong công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và công tác xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh. 

Đồng thời, tổ chức Đoàn, Đội phải luôn thể hiện vai trò là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các em thiếu niên, nhi đồng. Hơn ai hết, Đoàn phải cử những cán bộ có trình độ, đạo đức, nhân cách tốt để dìu dắt, giúp đỡ các em. Nơi nào tổ chức Đoàn yếu thì nơi đó công tác Đội và phong trào thiếu nhi sẽ yếu.

Bốn là, phải nâng tầm vị trí, vai trò của Hội đồng Đội các cấp, xem đây là một thiết chế tổ chức nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa và cộng đồng trách nhiệm cùng với các ban, ngành, xã hội gánh vác trọng trách: bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Các thành viên Hội đồng Đội trước hết phải là những người có vị trí lãnh đạo ở từng cấp, có tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực thực thi nhiệm vụ trong phạm vi, thẩm quyền được phân công. 

Hội đồng Đội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ nên ở mỗi cấp, Hội đồng Đội phải xây dựng được quy chế hoạt động, có sự phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng. Chủ tịch Hội đồng Đội do Ban lãnh đạo Đoàn cùng cấp cử một trong những cán bộ có uy tín, trình độ, có kỹ năng liên kết, phối hợp hoạt động để xây dựng tổ chức Hội đồng phụ trách Đội vững mạnh, hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng hoạt động hình thức, “hữu danh vô thực”.

Năm là, để hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi phát huy hiệu quả trong tình hình hiện nay thì hoạt động Đội phải gắn liền với công tác chuyên môn, công tác dạy và học của ngành giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. 

Đồng thời, cần có sự kết hợp chặt chẽ với môi trường xã hội ngoài nhà trường, vì đây chính là môi trường sống giúp các em hoàn thiện về đạo đức, nhân cách sống, hiểu biết sâu sắc hơn về kỹ năng hoạt động, kỹ năng sống và tồn tại với môi trường tự nhiên và xã hội. 

Có thể khẳng định hoạt động Đội tất yếu phải là hoạt động trong và ngoài nhà trường, giúp cho trẻ có thể học tập tốt và vui chơi, giải trí lành mạnh. Hoạt động Đội tốt sẽ làm cho chất lượng giáo dục và đào tạo tốt hơn, hoàn thiện hơn. Đó sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa học và hành một cách bài bản, chất lượng hơn.

Sáu là, khi đã khẳng định hoạt động Đội là hoạt động trong và ngoài nhà trường thì vai trò của thầy, cô giáo làm giáo viên Tổng phụ trách Đội phải luôn được đề cao. Cụ thể, phải tuyển chọn, bố trí giáo viên làm Tổng phụ trách Đội có trình độ chuyên môn, có kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội và quan trọng phải là những giáo viên có đạo đức, nhân cách tốt, có vị trí, uy tín trong ban lãnh đạo nhà trường. 

Cần phải khẳng định giáo viên làm Tổng phụ trách Đội là giáo viên chính trị, đạo đức trong nhà trường. Do vai trò quan trọng như vậy cần có những lớp đào tạo bài bản dành riêng cho giáo viên làm Tổng phụ trách Đội. Khi đó họ sẽ thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức mới và năng lực thực tiễn tham gia công tác Đội. 

Bên cạnh việc đề cao vị trí, vai trò của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thì chúng ta cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách để động viên, khuyến khích giáo viên làm Tổng phụ trách Đội. Có như vậy chúng xây dựng được đội ngũ phụ trách thiếu nhi đủ năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ.

Bảy là, để công tác Đội hoạt động hiệu quả, chúng ta còn phải chú trọng đến việc tuyển chọn, đào tạo, thành lập Ban chỉ huy Liên đội, Chi đội là những em đội viên có học lực từ khá, giỏi, có hạnh kiểm tốt, có kỹ năng điều hành các hoạt động Đội. Ban Chỉ huy Liên đội, Chi đội phải được đào tạo, được cử tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác của người Chỉ huy Liên đội, Chi đội, bởi đây là lực lượng nòng cốt và rất quan trọng của tổ chức Đội.

Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội có nhiệm vụ định hướng hoạt động, dìu dắt, hướng dẫn nhưng không làm thay để tạo cho các em đề cao tính tích cực, chủ động và tự quản trong các hoạt động.

Tám là, Hội đồng Đội Trung ương và Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu đề xuất các phong trào quy mô cấp toàn quốc, cấp tỉnh, thành phố có sức hấp dẫn, có tầm lan tỏa, ảnh hưởng toàn quốc hay mỗi địa phương phù hợp với nhu cầu, sở thích của các em. Từ đó cổ vũ, động viên, thu hút các em thực hiện công tác đội một cách tự giác. Trong đó chú trọng đến những chương trình, kế hoạch, phong trào, hoạt động có ý nghĩa nhằm góp phần phát triển kinh tế -  xã hội của đất nước cũng như đề cao ý nghĩa giáo dục, rèn luyện các em cả về đạo đức, nhân cách và thực hành.

Đồng thời, phải đề xuất, phát động phong trào nhằm tạo ra môi trường để thu hút các em thiếu nhi tham gia đông đảo. Từ đó tạo nên khí thế thi đua đồng loạt, sôi nổi, góp phần hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình để xây dựng đất nước, để gìn giữ hòa bình.

Chín là, Đảng, Nhà nước ta cần quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và vận động xã hội để để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các thiết chế văn hóa cần thiết cho thiếu nhi như: Nhà thiếu nhi cấp tỉnh, cấp huyện; điểm vui chơi cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư; các thiết chế vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao cho học sinh trong trường học,… nhằm góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho thiếu nhi. 

Có thể nói xây dựng Đội vững mạnh chính là góp phần xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thật sự trở thành đội quân xung kích cách mạng, cánh tay đắc lực, đội hậu bị tin cậy của Đảng. Đó là sự tiếp nối liên tục, chủ động, có ý thức trong cùng một hệ thống chính trị, có cùng một mục tiêu, lý tưởng cao đẹp.

Hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các cấp, mỗi cấp bộ đoàn, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên phải dành sự quan tâm, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và yêu thương thiếu niên, nhi đồng thông qua những việc làm thiết thực. Phải luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Nguyễn Văn Thỏa 

Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn,

Nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé, 

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Sông Bé

Nguồn tin: baobinhphuoc.com.vn: (VH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

XÂY DUNG HINH MAU THANH NIEN
Khảo sát người dùng

Website này theo bạn đã tốt hay chưa?

Thanh niên Việt Nam tiến bước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xứng danh Đoàn thanh niên Bình Phước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xem thêm tại đây 
Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập66
  • Hôm nay6,504
  • Tháng hiện tại244,536
  • Tổng lượt truy cập25,059,462
Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây