“Việc nhỏ” của ông giáo tuổi bát thập

Thứ hai - 05/04/2021 02:59 550 0
Về huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước hỏi thăm lớp học tình thương của ông giáo Ngô Tùng Bích (80 tuổi), hầu như ai cũng biết. Lớp học nằm trong con hẻm nhỏ của ấp Tân Hòa (xã Tân Tiến), hơn 10 năm qua âm thầm nâng bước cho học sinh nghèo và con em đồng bào dân tộc thiểu số trong hành trình làm chủ con chữ. Với ông giáo Bích, đó chỉ là việc làm “nhỏ hơn nhiều so với nhiều việc làm khác”.
TFSDF
Ông giáo Ngô Tùng Bích đang luyện chữ cho học sinh nghèo vùng biên


Lớp học tình thương vùng biên

Bên chiếc bàn gỗ mộc mạc, ông giáo Bích với mái tóc bạc phơ chậm rãi kể, hơn 20 năm trước, gia đình ông chuyển từ TPHCM lên xã Tân Tiến làm nương, lập nghiệp. Đây là khu vực giáp Campuchia, có nhiều đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Khmer, Stiêng sinh sống. Cuộc sống bà con trông cậy vào những vụ mùa trên nương rẫy nên rất bấp bênh. Ở vùng biên giới này, trẻ con đến tuổi đi học nhưng con chữ bẻ đôi cũng không biết, có em bỏ học giữa chừng vì nhà quá nghèo; có em học sa sút vì cha mẹ bận rộn mưu sinh. Chia sẻ với khó khăn của bà con, năm 2009, ông Bích mở lớp học miễn phí tại nhà, dạy từ lớp 1 đến lớp 5. Ông Bích tâm sự: “Cả đời làm nghề dạy học, thấy các cháu thất học, tôi rất day dứt nên quyết mở lớp tại chỗ. Khi đó, gia đình tôi vẫn ở nhà tranh vách đất, cuộc sống nhiều khó khăn nên lớp học mở trong chiếc chòi lợp lá che nắng mưa với vài bộ bàn ghế cũ cho 5-7 cháu ngồi”.

Để dạy cùng lúc 5 lớp, ông  Bích phải chia nhóm để “lớp 5 học làm toán, lớp 4 làm văn, lớp 2 tập viết, lớp 1 tập đọc”. Dù tuổi cao, sức yếu, ông Bích không nề hà vất vả, cầm tay uốn nắn từng nét chữ, hướng dẫn từng phép tính cho học trò. Từ ngày lớp học được mở, “tiếng lành đồn xa”, những gia đình có con em đang độ tuổi đến trường đều đến xin học. Dần dà lớp học đông hơn, nhất là vào dịp hè, có khi tới 30 em. Qua từng buổi học, học trò được ôn lại kiến thức cũ, bổ sung kiến thức mới cho kịp chương trình các em đang theo học ở trường.

Không chỉ dạy Toán và Tiếng Việt, ông Bích còn quan tâm dạy đạo đức làm người cho học trò, bởi đó là cái gốc để trở thành người có ích cho xã hội. Thấy việc làm của ông Bích thiết thực, các cơ quan đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ bàn ghế, tôn, bảng đen, sách vở… để tạo nguồn động viên cho thầy trò dạy và học, duy trì lớp.

Tâm sáng lòng trong

Anh Đàm Văn Hàn (ấp Tân Hòa), phụ huynh cháu Đàm Chí Cương, chia sẻ: Trước đây học lực của cháu Cương chỉ trung bình vì kinh tế gia đình khó khăn, vợ chồng lo làm ăn, ít quan tâm con. Từ ngày gửi Cương vào lớp của ông Bích, cháu ngày càng chăm ngoan, chú tâm vào việc học và dần dần trở thành học sinh khá giỏi ở trường. Trước đây, năm 1990, anh Hàn cũng là học trò của ông Bích, khi gia đình anh từ TPHCM lên Bù Đốp lập nghiệp. Anh Hàn nói: “Tôi mong muốn các con cháu trong gia đình tiếp tục theo học ông Bích. Kể ra, ông Bích đã dạy cho gia đình tôi đến hai thế hệ nhưng chưa một lần nhận học phí”.

Không chỉ học sinh nghèo, ông Bích còn nhận dạy học sinh khuyết tật. Hiện ông đang dạy 2 em khó phát âm, khó cử động. Cách đây 5 năm, em Trần Văn Cường (15 tuổi, ấp Tân Hòa) bị khuyết tật, phát âm không được, chân tay khó co duỗi nên không được nhà trường nhận. Cha mẹ nghèo, Cường không thể đi học ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt, phải nhờ cậy ông Bích. Việc dạy học cho Cường cũng lắm gian nan bởi phải dành rất nhiều thời gian mới có kết quả. Theo lời ông Bích, dạy Cường phải ngồi hàng giờ nói chuyện với cháu theo kiểu ông kể cháu nghe, cháu nói ông nghe để luyện phát âm; cầm phấn viết bảng cũng uốn nắn từng ly từng tí. Sau nửa năm, Cường đã phát âm được và đến nay thành thạo 4 phép tính cơ bản.

Gia đình ông Bích thuộc diện hộ nghèo của xã. Ông Bích lập gia đình với bà Văn Kim Sơn (quê Đồng Tháp) và có 7 người con trai, trong đó 3 con trai từng đi bộ đội. Các con ông Bích đã trưởng thành, lập gia đình và phần lớn đi làm ăn xa. Con trai út của ông, anh Ngô Tùng Bảo, mắc bệnh tâm thần khiến kinh tế gia đình không hề dư dả. Hai năm trước, bệnh anh Bảo trở nặng, phải gửi xuống cơ sở chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và hiện đang được điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần ở huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).

Gia đình không có vườn rẫy, cuộc sống vợ chồng ông Bích nhờ các con chu cấp. Cứ dăm bữa nửa tháng, vợ chồng ông lại khăn gói lên đường thăm nuôi anh Bảo. Dù nghèo, ông Bích luôn tâm niệm: “Còn sức khỏe, còn dạy học và lấy cái tâm, cái đức hướng dẫn các cháu. Sự thành công của các cháu là phần thưởng cao quý nhất của nghề dạy học”.

Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Nguyễn Đình Đoàn nhận xét: Điều đáng quý là ông Bích luôn nhiệt tình, say mê duy trì lớp học tình thương mà không đòi hỏi tiền bạc gì. Việc làm của ông Bích đã giúp học sinh nghèo vùng biên vươn lên trong hành trình đi tìm con chữ.
 

Ngoài công việc dạy học cho học sinh nghèo, ông Bích còn làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Tiến. Từng là võ sư, ông đã thành lập CLB thể dục dưỡng sinh và võ cổ truyền. Câu lạc bộ của ông Bích nhiều năm liền đại diện huyện Bù Đốp tham gia hội thi cấp tỉnh, đoạt nhiều giải cao. Mới đây, tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V năm 2020, ông Bích được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vì những thành tích xuất sắc giai đoạn 2015-2020.

Tác giả bài viết: (Hoàng Bắc)VH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

XÂY DUNG HINH MAU THANH NIEN
Khảo sát người dùng

Website này theo bạn đã tốt hay chưa?

Thanh niên Việt Nam tiến bước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xứng danh Đoàn thanh niên Bình Phước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xem thêm tại đây 
Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay9,917
  • Tháng hiện tại254,700
  • Tổng lượt truy cập22,828,683
Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây