“Rào cản” độ tuổi kết nạp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10.979 học sinh khối lớp 12 và 2.403 sinh viên, học viên theo học tại các trường cao đẳng. Theo báo cáo của ngành giáo dục, hằng năm tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, Bình Phước luôn có số lượng học sinh đạt giải khá cao. Thế nhưng, báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho thấy, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh chỉ kết nạp được 38 đảng viên là HSSV. Tỷ lệ quá ít so với con số 3.580 đảng viên được kết nạp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tại hội nghị chuyên đề công tác phát triển đảng viên trong HSSV tại các trường THPT, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, đa số đại biểu có chung nhận định: Tuy số lượng HSSV được kết nạp Đảng thời gian qua có nhiều khởi sắc nhưng tỷ lệ còn thấp, trong khi dư địa còn rất lớn. Sở dĩ như vậy là do còn những rào cản, trong đó có liên quan đến độ tuổi kết nạp. Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên.
Đoàn viên phải chuyển sinh hoạt về địa phương trong thời gian chờ kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Do vậy, cấp ủy đảng của trường không thể ra các quyết định liên quan đến kết nạp Đảng. Các em sinh từ tháng 6 trở đi sẽ thiệt thòi hơn trong việc xét kết nạp Đảng so với học sinh sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5.
Thầy Phan Minh Chánh
Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Minh Hưng |
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, những cá nhân được chọn kết nạp Đảng trong trường học phải có thành tích học tập tốt, rèn luyện, tích cực tham gia hoạt động đoàn tại trường, địa phương. Thực tế, số lượng học sinh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nêu trên chưa nhiều nên tỷ lệ kết nạp còn thấp. Do đó, muốn khắc phục điều này cần linh động, nới rộng các tiêu chí để đảm bảo số lượng.
Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh đoàn Trần Hoàng Trực, Đoàn luôn chú trọng lấy chất lượng là yếu tố hàng đầu, do đó không đồng tình với quan điểm nới rộng tiêu chí để kết nạp Đảng đối với HSSV. Bởi những người được đứng trong hàng ngũ của Đảng phải thực sự ưu tú, cho nên chỉ chấp nhận các em HSSV học lực giỏi, rèn luyện tốt.
Tâm lý của phụ huynh, học sinh
Nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ kết nạp đảng viên trong HSSV còn thấp là do tâm lý của học sinh và phụ huynh. Nhiều phụ huynh chỉ muốn con tập trung vào học tập, không muốn tốn thêm thời gian cho việc khác.
Tại hội nghị chuyên đề công tác phát triển đảng viên trong HSSV tại các trường THPT, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023, đại diện các trường THPT cho rằng, hiện nay nhiều em nhận thức còn mơ hồ, chưa xác định được động cơ vào Đảng đúng đắn cho mình, rơi vào tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Một số em có ý định đi du học, nên dù có thành tích học tập khá tốt, hoạt động ngoại khóa, đoàn thể nổi bật nhưng lại không có mục tiêu phấn đấu vào Đảng. Các em cảm thấy việc học tập, làm việc, thăng tiến ở môi trường nước ngoài không cần thiết phải tham gia vào đảng, sợ khó khăn trong việc sinh hoạt đảng, cản trở trong quá trình xin việc hay định cư ở nước ngoài.
Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng, sinh viên khối ngành kỹ thuật và công nghệ thường có tâm lý khi tốt nghiệp sẽ làm việc cho công ty tư nhân, công ty nước ngoài hoặc đi xuất khẩu lao động mà ở đó thường không có tổ chức đảng nên chưa mặn mà hoặc không có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng.
Cấp ủy thiếu quan tâm
Thời gian qua, công tác giáo dục, rèn luyện nhằm tạo nguồn đảng viên ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những vướng mắc này đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để, dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn nhân lực dồi dào để bổ sung vào đội ngũ đảng viên. Cụ thể trong số 8 trường THPT có học sinh được kết nạp Đảng từ năm 2020 đến nay thì Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài) không có tên, mặc dù đây là ngôi trường chất lượng top đầu của tỉnh.
Cùng với sự thiếu quan tâm của cấp ủy, công tác phối hợp chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp dù đã được giới thiệu, tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhưng chưa kịp kết nạp, sau khi ra trường về địa phương hoặc đi học tại các trường cao đẳng, đại học không tích cực tham gia các hoạt động đoàn nên không được kết nạp, gây lãng phí nguồn lực. Thậm chí có trường hợp được kết nạp Đảng trong trường học, nhưng khi học đại học, nhà trường không có chi bộ sinh viên nên rất khó khăn trong sinh hoạt đảng. Dẫn chứng cho điều này, thầy Phan Minh Chánh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Minh Hưng cho biết: Cách đây gần 10 năm, khi công tác tại Trường THPT Chu Văn An, TX. Chơn Thành, nhà trường có kết nạp Đảng cho em Ngô Thị Bích Trâm, học sinh xuất sắc của trường. Năm 2015, em thi đậu Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Chi bộ nhà trường làm hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng cho em nhưng không được vì khoa Trâm theo học, chi bộ ở tận Hà Nội, muốn chuyển sinh hoạt đảng phải chuyển ra Hà Nội. Do đó, đến năm 2021, khi em tốt nghiệp đại học và đi làm, hồ sơ sinh hoạt đảng vẫn còn tại Trường THPT Chu Văn An.
Thực tiễn cho thấy, công tác phát triển đảng viên trong HSSV có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Vì vậy, đòi hỏi phải có nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức đảng địa phương, đơn vị trường học trong hệ thống chính trị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Nguồn tin: Xuân Túc - baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc