Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó thế hệ trẻ đóng vai trò không nhỏ. Nhận thức rõ điều này, thanh niên người S’tiêng ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản đã và đang thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa của dân tộc mình, góp phần phát triển văn hóa - xã hội chung của đất nước. Với các bạn trẻ S’tiêng ở Thanh An, cồng chiêng là món ăn tinh thần độc đáo giúp mọi người xích lại gần nhau, cùng chia sẻ và giúp đỡ trong cuộc sống. Để nét văn hóa đặc trưng không bị mai một theo thời gian, thế hệ trẻ người S’tiêng được cha ông đi trước truyền dạy về ý nghĩa, hướng dẫn cách thức sử dụng, di chuyển khi đánh cồng chiêng và múa theo nhịp cồng chiêng.
Bí thư Đoàn xã Thanh An Thị Bé Lan chia sẻ: Tôi rất thích các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Phụ trách công tác đoàn của xã, là người S’tiêng nên tôi rất muốn lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Mới đầu, nhìn sơ qua thì dễ nhưng khi học thì rất khó. Những động tác và nhịp của bài múa phải hợp với nhịp cồng chiêng. Nếu không bắt được nhịp sẽ không múa được. Mình học múa để duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó kêu gọi đoàn viên thanh niên và các bạn trẻ cùng tham gia giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Đây còn là cơ hội để tuổi trẻ Thanh An được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài tỉnh; đồng thời mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên tham gia tổ chức đoàn - hội ở địa phương.
Truyền “lửa” để lưu giữ cho đời sau
Hoàn tất việc rẫy, thời gian nông nhàn, gia đình bà Thị Mương (SN 1965) ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An lại quây quần bên nhau để ông bà truyền dạy cho con, cháu hiểu và biết bản sắc văn hóa của người S’tiêng. Gắn bó với nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng từ nhỏ nên bà Thị Mương mong con, cháu mình cũng biết về nghề truyền thống của dân tộc. Ngoài con gái, bà còn chỉ dạy cho con dâu biết thao tác, quy trình dệt thổ cẩm. Sự chỉ bảo tỉ mỉ của bà khiến các con cũng muốn biết về nghề truyền thống của ông cha để tiếp tục duy trì và truyền lại cho thế hệ sau.
Trong gia đình bà thì con gái, con dâu theo mẹ học dệt, học điệu múa của người S’tiêng; còn con trai được cha dạy cách đánh cồng chiêng. Cũng từ đây, những điệu múa hòa cùng âm thanh trầm bổng của cồng chiêng được các bạn trẻ say sưa thể hiện trong các dịp lễ mừng lúa mới, phá bàu, đám cưới, đám hỏi…
Bà Thị Mương cho biết: “Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bản thân luôn cố gắng truyền đạt cho con, cháu, đặc biệt là thế hệ trẻ trong ấp, xã truyền thống văn hóa dân tộc S’tiêng”.
Cồng chiêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người S’tiêng. Biểu diễn cồng chiêng trong mỗi sự kiện, lễ hội có cách đánh khác nhau, thể hiện ý nghĩa riêng trong từng sự kiện. Do đó, người lớn tuổi phải truyền dạy cho thế hệ trẻ giữ truyền thống của cha ông; cố gắng đưa phong trào và giữ gìn cho làng xã ngày càng tiến bộ, không mất truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Già làng Điểu Khiêm ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản
Đội thanh niên cồng chiêng xã Thanh An thành lập và duy trì không chỉ góp phần tạo nên sân chơi văn hóa lành mạnh, bổ ích dành cho những người yêu thích nghệ thuật cồng chiêng mà còn là dịp để các bậc cha, chú truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu biết và thêm yêu bản sắc văn hóa của dân tộc S’tiêng. Qua đó, hình thành các đội, nhóm tham gia phục vụ, biểu diễn loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc tại các chương trình, lễ hội lớn ở địa phương và các cấp trong, ngoài tỉnh. Đây được coi là sân chơi văn hóa, văn nghệ lành mạnh cho thanh niên các dân tộc, góp phần tăng cường tập hợp, đoàn kết thanh niên các dân tộc tham gia tổ chức đoàn - hội ở địa phương.
Bí thư Đoàn xã Thanh An, Thị Bé Lan
Nguồn tin: Ngọc Quế - baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc