“CHỈ HUY TRƯỞNG” CÁC CHIẾN DỊCH CỦA ĐOÀN
Bí thư đoàn cấp xã là người đứng đầu, là thủ lĩnh đoàn cấp xã, do Đại hội cùng cấp bầu ra có nhiệm kỳ 5 năm một lần. Đây là người có vai trò rất quan trọng, chỉ đạo trực tiếp việc triển khai các chương trình, nghị quyết đại hội đoàn các cấp đến với đoàn viên thanh niên, thay mặt ban chấp hành, ban thường vụ xây dựng chương trình, kế hoạch theo từng tháng, quý, năm và nhiệm kỳ. Đồng thời, lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện thành công các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của đơn vị. Chính vì vậy bí thư đoàn cấp xã có vai trò quyết định kết quả hoạt động của Ban chấp hành, Ban thường vụ và tổ chức đoàn đơn vị.
Bí thư đoàn cấp xã là người truyền cảm hứng, truyền ngọn lửa nhiệt huyết, thắp sáng lên ngọn lửa đam mê “máu Đoàn” tiềm ẩn trong mỗi đoàn viên thanh niên, từ đó quy tụ, đoàn kết, tập hợp đông đảo các tầng lớp thanh niên trên địa bàn gia nhập tổ chức đoàn, góp phần tăng sức mạnh cho cho phong trào đoàn ở đơn vị. Phong trào, hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ đoàn cấp xã có nhịp nhàng, khoa học và thiết thực hay không phụ thuộc phần lớn vào sự điều hành, phân công của người bí thư Đoàn đối với các ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị.
Đồng chí Trần Hoàng Trực, Bí thư tỉnh Đoàn Bình Phước chia sẻ: “Cấp xã là đơn vị trực tiếp triển khai và thực hiện các công trình, phần việc liên quan đến nghị quyết đại hội đoàn các cấp. Do vậy tôi đánh giá đội ngũ bí thư đoàn cấp xã có vai trò vô cùng quan trọng, phong trào đoàn ở cấp xã mạnh thì phong trào đoàn cấp huyện, cấp tỉnh mới thực sự vững mạnh, nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp khi đó mới thực sự “sống” trong lòng đoàn viên thanh niên”.
Trên cơ sở chương trình công tác, người bí thư đoàn phải biết phát huy năng lực sở trường của từng ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ để phân công công việc một cách hợp lý, khoa học nhằm phát huy được thế mạnh của từng cá nhân trong tập thể một cách tối đa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tổ chức. Vai trò lãnh đạo, điều hành của bí thư đoàn cấp xã được ví như là một “Chỉ huy trưởng” của các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của Đoàn.
Mặt khác, nhiệm vụ của đoàn thanh niên cấp cơ sở luôn luôn biến đổi theo từng thời kỳ, giai đoạn và đặc thù của từng đơn vị. Trong quá trình công tác tại cơ sở, do tiếp xúc trực tiếp với đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân nên thực tế công tác luôn đặt ra những nhiệm vụ và những tình huống chưa từng có trong “kịch bản”. Do vậy, bí thư đoàn cấp xã có vai trò quyết định trong việc xử lý các tình huống đặt ra trong thực tiễn công tác. Việc xử lý các tình huống của Bí thư đoàn cấp xã phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm sống của bản thân. Kết quả việc giải quyết vấn đề phát sinh phần nào đánh giá được năng lực, vai trò, trách nhiệm của bí thư đoàn cấp xã đối với nhiệm vụ được giao, đòi hỏi người bí thư đoàn phát huy óc sáng tạo, khả năng nắm bắt thông tin và xử lý tình huống thật sự linh hoạt, mềm dẻo, kỹ năng giao tiếp thuyết phục và phải “thấu tình đạt lý”, khiến mọi người phải “tâm phục, khẩu phục”
Bí thư đoàn cấp xã trực tiếp chịu trách nhiệm về hoạt động đối nội, đối ngoại với cấp ủy đảng và đoàn cấp trên trực tiếp cũng như hoạt động phối hợp, liên kết với các đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Trong công tác tham mưu, phối hợp, bí thư đoàn cấp xã phải luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức mình đang quản lý, điều hành, mặt khác tạo sức lan tỏa của tổ chức. Điều này đòi hỏi phương pháp ứng xử linh hoạt, kỹ năng đàm phán khéo léo, nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, xử lý thông tin để từ đó đưa ra quyết định một cách sáng suốt nhất.
Bí thư đoàn cấp xã là người trực tiếp tham mưu cho chính quyền cùng cấp những vấn đề liên quan đến công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại cơ sở. Là người quyết định trực tiếp kết quả tham mưu, kết quả thực hiện Nghị quyết đoàn tại đơn vị, là trung tâm của sự đoàn kết, quy tụ sức mạnh tập thể, vì vậy vai trò của bí thư đoàn cấp xã được ví như là một “Chỉ huy trưởng” trên các mặt công tác của Đoàn.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BÍ THƯ ĐOÀN CẤP XÃ Ở BÌNH PHƯỚC
Đội ngũ Bí thư đoàn cấp xã ở tỉnh Bình Phước hầu hết có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tiêu biểu trước đoàn viên thanh niên; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Đoàn; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tiên phong, xung kích đi đầu trong mọi nhiệm vụ được giao; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tin cậy, tín nhiệm, chăm lo xây dựng và tạo điều kiện phát triển.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn của đội ngũ bí thư đoàn cấp xã. Chị Đào Thị Quế, Bí thư huyện Đoàn Bù Đăng chia sẻ: Đội ngũ bí thư đoàn cấp xã trên địa bàn huyện Bù Đăng phần đa là rất nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm với phong trào. Tuy nhiên, một số bạn bí thư đoàn xã đã kinh qua công tác đoàn nhiều năm, tuổi cũng đã “quá” so với quy định nhưng chưa được sắp xếp đầu ra nên có phần ảnh hưởng đến chất lượng phong trào.
Anh Hoàng Văn Tỵ - Bí thư Đoàn xã Tân Thành, huyện Bù Đốp cho biết, tốt nghiệp đại học và đã gắn bó với nghề đoàn được 8 năm, với quy định hiện nay, thì cộng lương và tất cả các khoản phụ cấp mỗi tháng anh lĩnh được gần sáu triệu đồng/tháng. Vì vậy, anh phải làm thêm công việc vườn rẫy để trang trải cuộc sống nên anh mong muốn sớm được tăng lương để yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, hiện nay, vẫn còn một số ít bí thư đoàn cấp xã ở tỉnh Bình Phước chưa qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ công tác đoàn. Một số bí thư đoàn cấp xã ở tỉnh Bình Phước còn “nợ” chuẩn về trình độ lý luận chính trị; công tác luân chuyển, điều động cán bộ đoàn cấp xã đôi khi chưa “đúng người”, “đúng thời điểm” dẫn đến ảnh hưởng chung đến chất lượng phong trào tại cơ sở. Một số ít cán bộ đoàn có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản nhưng khi làm cán bộ đoàn cấp xã thì lại rơi vào bệnh quan cách mạng, xa rời thanh niên, ngại đi cơ sở, chọn việc dễ làm, khó bỏ.
Để phát huy vai trò của bí thư đoàn cấp xã ở Bình Phước trong thời gian tới, cần chú trọng vào một số giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh về vai trò, vị trí của đội ngũ bí thư đoàn cấp xã. Đội ngũ bí thư đoàn cấp xã ở tỉnh là nguồn nhân lực quý, trực tiếp bổ sung vào nguồn quy hoạch cán bộ cấp ủy, chính quyền tại cơ sở. Nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư đoàn cấp xã là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hệ thống chính quyền, đảng, đoàn thể tại cơ sở trong những năm tiếp theo.
Hai là, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư đoàn cấp xã. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát chéo lẫn nhau trong việc xây dựng kế hoạch và kết quả thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã được tập thể thống nhất thông qua. Thông qua kiểm tra, giám sát kịp thời uốn nắn, khắc phục những hạn chế, những sai phạm “lệch chuẩn” để giúp cán bộ nhận ra thiếu sót, kịp thời sửa chữa, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một lẻo, những thành phần cơ hội, chọn Đoàn làm con đường “đi tắt, đón đầu”. Theo đó, “kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.
Ba là, cụ thể hóa tiêu chuẩn bí thư đoàn cấp xã làm căn cứ tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Tiêu chuẩn là thước đo đánh giá cán bộ, là cơ sở để cán bộ tự soi, tự hoàn thiện bản thân. Muốn nâng cao vai trò đội, chất lượng ngũ bí thư đoàn cấp xã thì đòi hỏi tiêu chuẩn về bí thư đoàn cấp xã phải được công bố công khai, cụ thể, chính xác, phù hợp và có chiều hướng phát triển cao hơn. Tỉnh đoàn Bình Phước cần tham mưu cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước ban hành tiêu chuẩn cụ thể về chức danh bí thư đoàn cấp xã một cách thống nhất, cụ thể để làm căn cứ đào tạo nguồn kế cận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bốn là, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo, đánh giá, sử dụng đội ngũ bí thư đoàn cấp xã ở tỉnh Bình Phước. Trong thời gian qua, công tác đào tạo chức danh Bí thư đoàn cấp xã ở tỉnh Bình Phước được các cấp bộ đoàn quan tâm cử đi đào tạo. Nhưng nhìn chung, chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn cấp xã vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã vừa yếu lại vừa thiếu do liên tục có sự luân chuyển của tổ chức hoặc bản thân chính đội ngũ bí thư đoàn cấp xã tự xin chuyển công tác, xin nghỉ việc. Đứng trước tình hình mới, đòi hỏi các cấp ủy đảng phải thường xuyên có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn, đồng bộ mà cương quyết để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cho kịp thời.
Năm là, thực hiện tốt việc quản lý đội ngũ bí thư đoàn xã, tạo điều kiện thuyên chuyển công tác, trưởng thành khi hết tuổi đoàn. Việc quản lý đội ngũ bí thư đoàn cấp xã cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền cùng cấp và tổ chức đoàn đơn vị, cần thực hiện một cách công khai, minh bạch, dân chủ và bình đẳng. Bên cạnh đó, cần sắp xếp luân chuyển công tác cho những cán bộ Đoàn hết tuổi, quá tuổi sang những vị trí phù hợp hơn. Có như vậy mới tạo động lực thúc đẩy cán bộ đoàn cống hiến hết mình mà không phải suy nghĩ đến vấn đề đầu ra sau khi hết tuổi đoàn.
Tính đến ngày 31/12/2022, tỉnh Bình Phước có 86 xã, 20 phường, 5 thị trấn. Toàn tỉnh hiện có 42.709 đoàn viên và 55.340 thanh niên được tập hợp vào tổ chức/186.098 thanh niên toàn tỉnh, chiếm 27,5 % dân số (1.034.667 người) và 46,97% lực lượng lao động trong toàn tỉnh (604.976 người). Hiện nay, đoàn cấp xã được thành lập và duy trì hoạt động tại 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Phước tương ứng với 111 đồng chí bí thư đoàn cấp xã.
Sáu là, phát huy tính tự giác trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện toàn diện của đội ngũ bí thư đoàn xã. Bản thân người bí thư đoàn cấp xã phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn, khi đã xác định được mục đích và động cơ học tập sẽ xác định thái độ và ý thức, sự quyết tâm trong việc tự học. Tự học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt hiện nay của đội ngũ bí thư đoàn cấp xã còn thể hiện trách nhiệm của bản thân người bí thư đoàn đó với công việc, với đơn vị và với chính bản thân mình. Chính điều này sẽ giúp cho đội ngũ bí thư đoàn cấp xã nhanh trưởng thành trên cơ sở gắn kết giữa phong trào của tổ chức với thanh niên. Có như vậy phong trào của tổ chức đoàn mới thực sự đi sâu, đi sát vào quần chúng thanh niên tại đơn vị, từ đó huy động được sức mạnh tập thể, có tính hiệu triệu, thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên tin tưởng, ủng hộ và noi theo. Thông qua đó vai trò của người đứng đầu cũng được tổ chức ghi nhận, được đoàn viên thanh niên tin tưởng và ủng hộ.
Tác giả bài viết: Phạm Thị Lượt (Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước)
Ý kiến bạn đọc