Nghị quyết 25- NQ/TW đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong công tác thanh niên

Chủ nhật - 03/06/2018 22:26 1.318 0
Sáng 02/6, tại TP.HCM, Trung ương Đoàn đã tổ chức Tọa đàm đánh giá kết quả 10 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 25- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn đã chủ trì buổi tọa đàm.
Cùng dự Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu về công tác thanh niên; cùng  đại diện  thành Đoàn Hồ Chí Minh Bến Tre, các tỉnh: Tiền Giang, Bình Phước, Bạc Liêu, Tây Ninh, Bình Thuận.

Nghị quyết 25- NQ/TW  tạo ra những chuyển biến tích cực

Theo Báo cáo đề dẫn tọa đàm, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 25/7/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đây là văn bản quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với thế hệ trẻ và đối với công tác thanh niên. Nghị quyết xác định nhiều nội dung, giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong công tác thanh niên nói chung, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nói riêng; được các cấp bộ đoàn và đoàn viên thanh niên đón nhận với niềm hứng khởi to lớn.
 

Quang cảnh tọa đàm
 
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, trước những biến đổi của tình hình thanh niên trong thời kỳ mới, Trung ương Đoàn đã tích cực tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 25- NQ/TW. Ngày 25/12/2013, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Sự ra đời của Kết luận 80 tiếp tục củng cố, tăng cường sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thanh niên nói chung, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nói riêng.
 
10 năm qua, với những nỗ lực của hệ thống tổ chức Đoàn và đội ngũ cán bộ, đoàn viên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 25- NQ/TW đã tạo ra những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, trong đó có nhiều bước, nhiều khâu đột phá, mang lại những bước tiến mới về lý luận và thực tiễn, tạo nên động lực thúc đẩy công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi phát triển mạnh mẽ. Việc ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, lần thứ XI đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho Đoàn hoạt động; chế độ, chính sách, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đoàn ngày càng được quan tâm; vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn ngày càng được khẳng định.
 
Trong 10 năm, toàn Đoàn tổ chức tập huấn về tư vấn học nghề, việc làm, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác đoàn cho 1.293.333 lượt cán bộ đoàn các cấp (trung bình mỗi năm tập huấn cho 258.666 cán bộ đoàn); tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho 3.261.758 đoàn viên, thanh niên; có 68,8% cán bộ chuyên trách đoàn cấp tỉnh, 84,1% cán bộ đoàn chuyên trách cấp huyện, 92,5% cán bộ đoàn chuyên trách cấp cơ sở trong độ tuổi thanh niên. Số đoàn viên ưu tú Đoàn giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp là 927.960, trong đó số đoàn viên được kết nạp là 521.366, đạt tỷ lệ 56,1%.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Nghị quyết 25- NQ/TW, Kết luận số 80-KL/TW của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vẫn còn những hạn chế nhất định như: Tính cụ thể hóa, năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết, Kết luận ở nhiều cấp bộ đoàn, nhiều cán bộ đoàn chưa tốt; các hoạt động giáo dục thanh thiếu nhi nhiều nơi còn hình thức, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, đặc điểm phát triển và sự biến động của tình hình thanh thiếu nhi; chất lượng tổ chức Đoàn tại cơ sở, nhất là ở khu vực xã, phường, thị trấn trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; các cơ sở, trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi còn thiếu...
 
Nhiều ý kiến tâm huyết
 
Tại buổi Tọa đàm, sôi nổi các ý kiến đã tập trung trao đổi về một số nội dung trọng tâm liên quan đến việc tổng kết 10 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 25- NQ/TW. Trong đó, cho ý kiến góp ý đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 25- NQ/TW do Trung ương Đoàn chuẩn bị. Đánh giá những kết quả nổi bật, những chuyển biến trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 25- NQ/TW khóa X; những vấn đề đang đặt ra; đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời gian tới.
 

Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh Lê Vĩnh
 
Đồng thời, thảo luận về phát huy vai trò tham mưu của Đoàn Thanh niên đối với cấp ủy đảng – yếu tố quan trọng trong lãnh đạo công tác thanh niên; kết qủa thực hiện các chính sách dành cho cán bộ đoàn các cấp; đánh giá về kết quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thanh niên sau 10 năm thực hiện Nghị quyết; việc tạo môi trường cho thanh niên niên học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ. Công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng các tài năng trẻ cống hiến và trưởng thành. Những vấn đề đặt ra trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên của Đoàn Thanh niên hiện nay. Kinh nghiệm tổ chức và thiết kế phong trào để thu hút, tập hợp thanh niên; cùng những ưu điểm, hạn chế của thanh niên hiện nay và những vấn đề đặt ra cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi…
 
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Giáo dục đại học đã chuyển sang việc tự học và rèn luyện kỹ năng, khả năng giao tiếp ngoại ngữ của sinh viên, các kiến thức đại học tiến tới kiến thức đa ngành và là môi trường thuận lợi để thanh niên sinh viên sáng tạo.
 
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, thanh niên sinh viên cần có động lực, tầm nhìn học tập sâu rộng, tiếp tục học tập sau khi tốt nghiệp, trong quá trình đi làm để nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng. Các cấp Đoàn Thanh niên cần tạo môi trường làm việc ngoài giờ học cho thanh niên sinh viên để các em có kinh phí trang trải cuộc sống, trang bị các kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng. Đồng thời, Đoàn Thanh niên cần đẩy mạnh tổ chức các sân chơi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, từ đó tạo ra kỹ năng sáng tạo của thanh niên sinh viên, thúc đẩy sự phát triển của phong trào thanh niên khởi nghiệp.
 
Chia sẻ về quá trình thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW tại địa phương, Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thay đổi tư duy của các cấp ủy trong sự lãnh đạo đối với công tác thanh niên, Tỉnh ủy Bến Tre đã xác định tổ chức Đảng là bạn đồng hành của Đoàn Thanh niên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đã mạnh dạn giao công việc, hoạt động lớn cho Đoàn Thanh niên.
 
Để nâng cao hiệu quả hoạt động phong trao trong thời gian tới, Tỉnh đoàn Bến Tre sẽ tập trung vào hoạt động thanh niên tình nguyện hè 2018, trong đó lực lượng thực hiện là đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt, có sự tham gia của cộng đồng địa phương cũng như sự đồng thuận của các đơn vị, đoàn thể khác để tạo nên những sản phẩm có tính bền vững, hiệu quả trong chiến dịch. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn Bến Tre cũng xung phong đi đầu trong việc thực hiện chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” để tạo việc làm, cơ hội khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên cũng như tạo cơ hội phát triển doanh nghiệp của doanh nhân thanh niên tại địa phương.
 
Đồng chí Phạm Phương Thảo - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh Lê Vĩnh
 
Đồng chí Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố, Nguyên Bí thư BCH Trung ương Đoàn đánh giá: “Chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức về phong trào thanh niên. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mục tiêu phấn đấu vào Đảng, vào Đoàn không còn hấp dẫn với thanh niên. Trình độ học tập được nâng lên nhưng đạo đức lại xuống cấp, tội phạm trẻ hóa. Chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật để nâng cao nhận thức lý tưởng cách mạng.
 
"Đoàn cần phải tổ chức nhiều cuộc thi để tìm ra những tác phầm văn học, nghệ thuật hay để nâng cao tư tưởng, lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên. Các cơ quan báo chí cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt để lan tỏa giá trị tốt đẹp; đăng tải các hoạt động của công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi tới xã hội và các bạn trẻ để đưa họ đến với tổ chức Đoàn, Hội và các phong trào, hoạt động của Đoàn”, đồng chí Phạm Phương Thảo đề xuất.
 
Trưởng thành từ công tác Đoàn, đồng chí Tăng Hữu Phong, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tân Phú, Nguyên Phó Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay Đoàn cần xác định hai địa bàn chính: địa bàn dân cư và các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập để tập trung tổ chức các hoạt động Đoàn nhằm thu hút thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn và đến với tổ chức Đoàn nhiều hơn. Bên cạnh đó, lý tưởng cách mạng trong thanh niên phải luôn cùng song hành với tình yêu Tổ quốc và tình yêu dân tộc. Do đó, Đoàn phải là người bồi dưỡng lý tưởng cho thanh niên cũng như giúp thanh niên có được tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, đây là điều hết sức cần thiết.
 
Hiện nay mạng xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến thanh niên, do đó Đoàn cần sử dụng mạng xã hội để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, định hướng thanh niên. Bên cạnh đó, cần đánh giá được sự tác động của Đoàn với thanh niên cũng như có phương pháp đánh giá về nhìn nhận của xã hội, của thanh niên nói chung với Đoàn một cách toàn diện, khách quan để có giải pháp trong việc tổ chức nội dung, cách thức phù hợp với từng đối tượng thanh niên.
 
Đồng chí Tăng Quốc Phong cũng mong muốn, đội ngũ cán bộ công chức trẻ nói chung, cán bộ Đoàn nói riêng hiện nay không chỉ là những người giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt nhanh các kiến thức về KHCN mà cần phải có được yếu tố “thủ lĩnh thanh niên” để làm sao hội tụ, định hướng và dẫn dắt thanh niên đi theo mục tiêu của tổ chức Đoàn, Hội góp sức trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Với tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW khá quyết liệt, cấp ủy Đảng làm việc với Đoàn Thanh niên các cấp được đưa vào quy chế và duy trì thực hiện mỗi tháng một lần. Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai Nguyễn Cao Cường cho biết, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm đến cán bộ Đoàn Thanh niên. Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Tỉnh đoàn Đồng Nai cũng có quy chế riêng về việc giới thiệu Đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Đồng Nai đang thực hiện Đề án quản lý, lãnh đạo 8 nhóm thanh niên ở tỉnh trong đó có nhóm thanh niên ở lực lượng vũ trang, nhóm thanh niên tôn giáo, thanh niên công nhân…; đồng thời xây dựng lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên ở khu vực nhà trọ, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo để thực hiện tốt các phong trào, hoạt động cũng như tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ thanh niên.
 
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy trao đổi ý kiến. Ảnh Lê Vĩnh
 
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy nêu ý kiến, thực tế hiện tại, việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên vẫn không đạt được những hiệu quả như mong đợi. “Cho đến lúc sắp bước vào những giai đoạn mang tính chất quyết định của cuộc đời, thực tế nhiều thanh niên vẫn không định hướng được công việc cho mình. Do đó việc tổ chức hướng nghiệp cho thanh niên ngay từ khi còn trẻ sẽ hiệu quả hơn nhiều, thế mạnh và kỹ năng bản thân của thanh niên sẽ được phát huy cao nhất”, đồng chí Duy nói.
 
Bên cạnh đó, việc xây dựng tư duy, kỹ năng phản biện xã hội trong thanh niên cũng là một vấn đề cần được nhìn nhận. Việc đoàn viên, thanh niên “ngại hỏi”, “ngại” phản biện là một trong những yếu tố cản trở việc tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng mới trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay. Ông Duy cũng cho rằng thực trạng phát triển các kỹ năng mềm, kiến thức ngoại ngữ cũng như kỹ năng xã hội cho thanh niên ở các tỉnh vẫn còn chậm so với các thành phố lớn.
 
Còn theo ý kiến đồng chí Nguyễn Văn Tịnh, Bí thư Đoàn Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay còn tình trạng chủ trương, chương trình cho đoàn viên, thanh niên thì rất hữu ích nhưng khi triển khai trong thực tế ở từng đơn vị thì lại không phát huy được hiệu quả.
 
Công tác Đoàn là công tác phải dành nhiều thời gian, trí lực và tâm lực nhưng một số nơi, một số đơn vị thì Bí thư Đoàn là nhiệm vụ kiêm nhiệm dẫn đến việc thực hiện các phong trào không hiệu quả; bên cạnh đó, chế độ, chính sách đãi ngộ cho các Bí thư Đoàn còn hạn chế. Cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ Đảng viên trẻ được kết nạp ở cấp trung học phổ thông cũng như đại học trong các hoạt động Đoàn ở môi trường đại học và quan tâm đến chức vụ Bí thư Đoàn cũng như hiệu quả của các hoạt động, phong trào Đoàn ở các địa phương, đơn vị.
 

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại tọa đàm
 
Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho rằng, dự thảo Báo cáo của Trung ương Đoàn đã được chuẩn bị khá đầy đủ, toàn diện, mang tinh thần xây dựng và có sự nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề, báo cáo đã đánh giá được các kết quả và tìm ra các giải pháp để khắc phục thời gian tới. Đa số các đại biểu tham gia ý kiến cũng đã đánh giá cao cách thức tổ chức tổng kết lần này, trong đó báo cáo đã tham khảo báo cáo cơ sở, tiến hành khảo sát tại các tỉnh, thành Đoàn, lấy ý kiến ở nhiều đối trượng khác nhau ở cơ sở, có chất liệu để tham mưu các cấp, các ngành về công tác thanh niên thời gian tiếp theo.
 
Bên cạnh đó, một số ý kiến góp ý thêm vào dự thảo Báo cáo trao đổi nên cô đọng hơn, xúc tích hơn, có điểm nhấn làm nổi bật hơn vấn đề, kết quả có sự so sánh và có đánh giá công tác phát triển Đảng viên trong 10 năm qua; đồng thời phải nhận định được để dự thảo Báo cáo sát hơn với tình hình thực tiễn cơ sở.
 
Các ý kiến góp ý của các đại biểu tại buổi tọa đàm mong muốn tổ chức Đoàn cần tập trung triển khai một số nội dung trong thời gian tới, như: có những nội dung cần tiếp tục được xác định trong báo cáo, có những nội dung sẽ tiếp tục đưa vào chương trình, đề án của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện.
Trong đó, tập trung vào các nhóm nội dung như: Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên; tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và có những ý kiến phản bác luận điệu, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta; nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật trong đoàn viên thanh niên. Đoàn cần có đánh giá, đo đếm về những nhận định của xã hội, của thanh niên đối với các hoạt động do Đoàn tổ chức, khởi xướng. Việc triển khai các phong trào hành động cách mạng phải được gắn với đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, trong đó cần chú trọng xây dựng các đội hình chuyên hoặc đội hình theo khu vực.
 
Ngoài ra, động viên, khích lệ đoàn viên thanh niên tham gia có hiệu quả các hoạt động sáng tạo; quan tâm và cùng tham gia phối hợp giải quyết các vấn đề thanh niên, như: định hướng chọn nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm… Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn, có chính sách đối với cán bộ Đoàn, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, điều chuyển cán bộ, biên chế cán bộ làm công tác Đoàn và bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thường xuyên. Đồng thời, xác định được các khu vực, địa bàn để tổ chức Đoàn cần tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
 
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương đã xin tiếp thu và lĩnh hội các ý kiến góp ý trao đổi tại buổi tọa đàm của các đại biểu để giao bộ phận soạn thảo tiếp tục tham mưu có điều chỉnh bổ sung phù hợp làm cho báo cáo đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn, giúp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tổng kết đánh giá Nghị quyết 25-NQ/TW được sâu sắc, toàn diện và có được những giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, cũng như nâng cao tỷ lệ tập hợp thanh niên và đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của đoàn viên thanh niên trong giai đoạn tới.

Nguồn tin: Đông Hà - doanthanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

XÂY DUNG HINH MAU THANH NIEN
Khảo sát người dùng

Website này theo bạn đã tốt hay chưa?

Thanh niên Việt Nam tiến bước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xứng danh Đoàn thanh niên Bình Phước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xem thêm tại đây 
Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay15,500
  • Tháng hiện tại270,730
  • Tổng lượt truy cập22,355,521
Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây