Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Bảo tàng tỉnh đang quản lý hơn 14.000 tư liệu, hiện vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu và có niên đại kéo dài từ thời nguyên thủy đến nay được giới thiệu tại các phòng trưng bày. Đây là những món quà lịch sử - văn hóa vô giá, không chỉ đưa di sản văn hóa đến với công chúng mà còn góp phần phát huy giá trị các di sản đang được bảo tàng lưu giữ, bảo quản.
Chị Bùi Kim Thư, Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng, Bảo tàng tỉnh cho biết: Phần mềm số hóa hiện vật thực hiện từ năm 2021, hiện nhập được 4.500 hiện vật theo chủ đề khảo cổ, dân tộc, kháng chiến. Lưu trữ hiện vật trên phần mềm không chỉ giảm thiểu sự xuống cấp của tài liệu gốc trong quá trình khai thác, sử dụng mà còn chia sẻ, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, phục vụ việc tra cứu cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân. | 8 tháng năm 2023, Bảo tàng tỉnh đã đón 388.546 lượt khách tham quan. Trong đó, tương tác trên các nền tảng số đạt hơn 360 ngàn lượt. |
Để du khách có nhiều cách tiếp cận trên các nền tảng công nghệ, Bảo tàng tỉnh đang tăng cường đăng hình ảnh, sản xuất video clip ngắn tái hiện những câu chuyện về văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, các di tích lịch sử có thuyết minh sinh động, gần gũi được đăng tải trên fanpage, website, nền tảng mạng xã hội. Nhờ sự linh động trong quảng bá mà những di sản, hiện vật trưng bày được lan tỏa rộng rãi. Anh Nguyễn Văn Hoan, Bí thư Chi bộ tổ 7, Nông trường Long Hưng, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng chia sẻ: Khách tham quan đến bảo tàng không chỉ tận mắt nhìn thấy các hiện vật mà thông qua nền tảng công nghệ, màn hình cảm ứng cũng có thể tìm hiểu, khám phá hình ảnh, công trình di tích cùng những câu chuyện văn hóa, lịch sử thú vị về văn hóa, con người Bình Phước.
Công nghệ làm “sống” lại giá trị văn hóa, lịch sử
Việc ứng dụng công nghệ không còn là giải pháp tạm thời mà là cầu nối hữu hiệu để đưa các di sản đang được trưng bày tại bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng. Vì vậy, đổi mới hoạt động bảo tàng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ càng trở nên cần thiết. Ông Nguyễn Sơn Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Tại các phòng trưng bày của bảo tàng đang lắp đặt 8 cây thư mục. Các thiết bị này chứa những nội dung video, hình ảnh, câu chuyện, biểu đồ để khách tham quan có thông tin đầy đủ hơn về hiện vật. Ngoài các hiện vật, bảo vật quốc gia đã được số hóa để đưa vào phần mềm quản lý, tiến tới tích hợp vào phần mềm quản lý chung của Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng tỉnh đang xây dựng kế hoạch triển khai trưng bày hiện vật 3D, 4D để đáp ứng đa dạng các hình thức tiếp cận của công chúng.
Không thể phủ nhận, nhờ ứng dụng công nghệ mà di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã, đang ngày càng tăng khả năng kết nối, phát triển du lịch, bắt kịp xu thế. Ứng dụng công nghệ, số hóa di sản không chỉ giải quyết vấn đề trải nghiệm từ xa cho người dân mà còn nâng cao giá trị của điểm đến. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn những khó khăn. Trong đó, số hiện vật, di tích được số hóa, quét hình ảnh 3D, phim thực tế ảo còn ít; kinh phí thực hiện nội dung số hóa, chuyển đổi số di sản còn hạn chế. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhất là mạng xã hội đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành văn hóa nói chung, phát triển di sản văn hóa nói riêng.
Trong định hướng năm 2023, ngành văn hóa sẽ tiếp tục thực hiện các dự án, đồng thời chỉ đạo ngành văn hóa các huyện, thị xã, thành phố tham mưu địa phương thực hiện số hóa các điểm du lịch, điểm đến của di tích. Đây là việc làm cần thiết, vừa thúc đẩy chuyển đổi số vừa giúp người dân có thể tìm đến hiện vật bảo tàng, tham quan di tích trên nền tảng smartphone. Thay đổi các hoạt động của bảo tàng theo hướng số hóa góp phần tạo ra những sản phẩm đa dạng, mang lại trải nghiệm khác biệt và thu hút khách du lịch. Khi bảo tàng trở nên hấp dẫn, thu hút được khách tham quan bằng nhiều hình thức khác nhau nghĩa là đã truyền tải thông điệp về lịch sử, văn hóa nhiều hơn đến công chúng, từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cũng như củng cố những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Có như vậy, vốn di sản Bình Phước mới được lan tỏa trong cộng đồng.
Nguồn tin: Ngân Hà - baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc