Đã đến lúc thay đổi thói quen
Trung bình mỗi ngày Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Bình Long có khoảng 500 lượt bệnh nhân đến làm các thủ tục khám, chữa bệnh. Khu vực thanh toán viện phí của trung tâm đều dán số tài khoản của bệnh viện hoặc mã QR, để giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn hình thức thanh toán, giảm thời gian chờ đợi nhưng đến nay số lượng thanh toán bằng hình thức này vẫn thấp.
“Lợi ích rõ nhất của thanh toán không dùng tiền mặt là giảm thời gian chờ và hạn chế rủi ro. Thay vì xếp hàng đến lượt thanh toán, bệnh nhân chỉ cần thao tác bằng quét mã QR hoặc cà thẻ ngân hàng là hoàn thiện thủ tục. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bệnh nhân sử dụng tiền mặt khi đi bệnh viện để nộp viện phí và mua sắm các đồ dùng thiết yếu khác trong quá trình điều trị. Vì vậy, trung tâm vẫn đang áp dụng song song thanh toán bằng tiền mặt và qua thẻ để người bệnh có thể lựa chọn hình thức phù hợp” - ông Nguyễn Long Anh, Phó Giám đốc TTYT thị xã Bình Long cho biết.
Còn tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, mặc dù triển khai quét mã QR trong thanh toán viện phí từ tháng 6-2020 nhưng đa số bệnh nhân vẫn lựa chọn thanh toán trực tiếp. Các bệnh nhân lớn tuổi khi được hỏi đều khẳng định sử dụng cách thức thanh toán truyền thống vì thuận tiện. “Tôi có thẻ bảo hiểm y tế và số tiền chi trả cho mỗi lần khám không quá nhiều. Trường hợp bệnh nặng cần người đi cùng thì đã có các con lo thủ tục nên tôi không sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến” - bà Ngô Thị Hòa, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài lý giải.
Việc triển khai các hình thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt giúp người dân có thêm lựa chọn thanh toán nhanh chóng, chính xác, tăng tính công khai, minh bạch trong khám, chữa bệnh, đồng thời hạn chế rủi ro phát sinh khi thanh toán tiền mặt. Chị Trần Thị Thanh Nga, Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh chia sẻ: “Bệnh viện đã đầu tư hệ thống công nghệ phục vụ thu viện phí không dùng tiền mặt, đồng thời phối hợp với ngân hàng triển khai các gói dịch vụ tạo thuận lợi cho người dân quét mã QR thanh toán online, tuy nhiên khó khăn chung hiện nay là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Bệnh nhân đến khám và điều trị đa phần là người lớn tuổi không rành về công nghệ, dẫn đến số lượng thanh toán trực tuyến chưa như kỳ vọng”.
Cần sự chung tay thay đổi
Thống kê của Sở Y tế, hiện 12/12 cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh và tuyến huyện đều đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Các cơ sở y tế đã bố trí nhân lực tại phòng thu viện phí, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí và các dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế. Công khai thông tin về số tài khoản ngân hàng, mã QR, lắp wifi nhằm tạo thuận lợi cho người dân kết nối internet để thanh toán viện phí trên các thiết bị di động. Mặc dù vậy, thống kê trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân thanh toán không dùng tiền mặt khi đến khám và điều trị bệnh rất thấp, chưa đến 5%.
Thực tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế là nhiệm vụ khó, đòi hỏi quá trình thực hiện liên tục, lâu dài. Với quyết tâm cao của tỉnh, Sở Y tế đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn từ cơ sở; hướng dẫn, khuyến khích người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt; liên kết, tích hợp phần mềm quản lý bệnh viện với nội dung thanh toán để giảm thao tác thủ công. Phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông để kết nối hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm khám, chữa bệnh bảo đảm cơ sở hạ tầng thanh toán thông suốt, đa dạng các loại hình và phương thức thanh toán.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Phó Giám đốc Dịch vụ số và thương mại điện tử Chi nhánh Bưu chính Viettel Bình Phước cho biết: Các giải pháp mà Viettel đưa ra để đồng hành với ngành y tế là khảo sát lại cơ sở hạ tầng của các hệ thống TTYT trong tỉnh để có hình thức ưu tiên chọn lĩnh vực cần chuyển đổi số trước. Cùng với đó là đẩy nhanh việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại các TTYT tuyến cơ sở, kết nối phần mềm His với các bệnh viện, TTYT để liên thông thanh toán; truyền thông để người dân biết được các tiện ích của thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Giải pháp trước mắt sẽ triển khai thí điểm tại TTYT huyện Đồng Phú, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh.
Để đạt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác đòi hỏi sự chủ động, tự nguyện rất lớn từ phía người dân. Khi người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và khám, chữa bệnh sẽ góp phần cùng với tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt y tế - một trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trước.
Nguồn tin: Ngân Hà - baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc