Trùng phùng sau nửa thế kỷ thất lạc
Đó là câu chuyện của chị em bà Phạm Thị Minh (công dân Mỹ gốc Việt) và ông Phạm Văn Dung, ấp 6A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thất lạc nhau gần 50 năm đã được đoàn tụ nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngồi xem những bức ảnh chị em lưu lại cùng nhau, ông Dung vẫn chưa hết xúc động vì cuộc hội ngộ bất ngờ. Ông Dung kể: “Năm 1972, do chiến tranh, chị em tôi thất lạc nhau. Chị gái khi đó 19 tuổi xuất cảnh sang Mỹ. Khi rời Việt Nam, giấy tờ quý giá nhất mà chị mang theo là chứng minh nhân dân và tấm ảnh chụp với mẹ khi còn nhỏ. Còn tôi khi đó chỉ mới 13 tuổi, sống cùng người quen ở TP. Hồ Chí Minh. Sau năm 1972, huyện Lộc Ninh giải phóng, tôi về đây sinh sống cùng với bố. Sau này cuộc sống ổn định, tôi đã nhiều lần tìm chị gái qua mạng xã hội, qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” và cũng nhờ người quen ở bên Mỹ đăng tin tìm kiếm nhưng không có kết quả”.
Giấc mơ của hai chị em đã trở thành hiện thực nhờ hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đây là hệ thống đang quản lý tập trung, thống nhất thông tin của gần 100 triệu công dân Việt Nam được đưa vào vận hành từ ngày 1-7-2021. Hệ thống đã thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, đồng bộ và cấp mã số định danh cá nhân. Đây được xem là “chìa khóa vạn năng” mở ra cho người dân nhiều tiện ích.
Cuộc trùng phùng xúc động này đã cho thấy giá trị to lớn của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh công cuộc CĐS của ngành công an hướng tới những lợi ích thiết thực cho người dân.
Mang nền tảng số đến hộ gia đình
Ngày nay, với chiếc điện thoại, mỗi người dân dù là ai, ở bất cứ đâu, thành thị hay nông thôn đều đã, đang tham gia CĐS theo cách của riêng mình. Đi chợ, mua sắm, thanh toán tiền điện, nước, đóng học phí, viện phí nay cũng không cần dùng tiền mặt vì 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cơ sở giáo dục, y tế… trên địa bàn tỉnh Bình Phước có thiết bị thanh toán trực tuyến. Hạ tầng công nghệ số phủ rộng đã giúp người dân khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi hơn. Người dân ngồi ở nhà hay bất cứ đâu đều có thể thực hiện được thủ tục hành chính, theo dõi tiến độ hồ sơ vừa nhanh và giảm chi phí. CĐS không chỉ mang lại sự tiện lợi, hiện đại trong giao tiếp, mua sắm, làm việc mà còn hướng tới cảm nhận vui vẻ, hạnh phúc thông qua những cú “chạm”.
Anh Lê Thanh Trà ở thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Tôi chỉ mất 10 phút để nộp thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh. Mỗi gia đình, người dân nơi tôi sinh sống đều đang được tiếp cận với công nghệ số và tham gia, thụ hưởng lợi ích từ CĐS mang lại”.
Cải cách hành chính được tỉnh xác định là một trong 3 khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thực hiện khâu đột phá này, những năm qua, tỉnh Bình Phước đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt bậc với quyết tâm đưa bộ máy hành chính của tỉnh ngày càng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh nhất, tốt nhất.
Bà Huỳnh Thị Bé Năm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước cho rằng: Ở đâu người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính thì ở đó chuyển biến tích cực, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Khi người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu được những nỗ lực của cơ quan công quyền thì sẽ có sự chia sẻ, đồng lòng, từ đó nâng cao các chỉ số SIPAS, PAR INDEX, PAPI của tỉnh.
“Trái ngọt” cho những nỗ lực vượt bậc
CĐS ở tỉnh Bình Phước đã có bước nhảy vọt qua từng năm, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng chính phủ điện tử. Đặc biệt, với giải pháp công nghệ số “Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước” đạt giải thưởng CĐS Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2023 ở hạng mục “Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc” có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan hành chính tỉnh; phản ánh hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Sau thời gian đẩy mạnh triển khai đồng bộ ở tất cả ngành, lĩnh vực, công tác CĐS toàn diện của tỉnh Bình Phước đã từng bước xác định được hướng đi và mục tiêu đúng đắn, đó là lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, đối tượng thụ hưởng các thành quả. CĐS đã và đang cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Nguồn tin: Ngân Hà - baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc