Trước đây, một em bé khi sinh ra, cha mẹ phải thực hiện 3 thủ tục hành chính ở 3 cơ quan khác nhau như: Đăng ký khai sinh tại bộ phận tư pháp, đăng ký thường trú tại cơ quan công an, làm thẻ bảo hiểm y tế tại cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hiện nay, chỉ cần 1 thao tác qua cổng dịch vụ công và chia sẻ với CSDLQG về dân cư, người dân đã có thể giải quyết cùng lúc 3 thủ tục này.
Tại Bộ phận một cửa UBND phường An Lộc, thị xã Bình Long, anh Võ Xuân Cường đến làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Qua hướng dẫn, anh về nhà thực hiện các thao tác trên cổng dịch vụ công. Chỉ trong 20 phút, con gái anh đã được cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trực tuyến.
Tương tự thủ tục khai sinh, chị Nguyễn Thị Diễm Ái, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường An Lộc cho biết: Nếu gia đình có người thân không may qua đời thì việc giải quyết thủ tục liên quan đến khai tử, xóa đăng ký thường trú… cũng chỉ cần thực hiện một lần, giải quyết được nhiều thủ tục hành chính (TTHC). Như vậy, khi thủ tục được cắt giảm, người dân không phải đi lại nhiều lần, giảm được thời gian, giảm thủ tục và chi phí.
Với 6/25 dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực tư pháp, Sở Tư pháp đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tích hợp hệ thống thông tin quản lý hộ tịch; hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung với cổng dịch vụ công của tỉnh. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với hệ thống thông tin quản lý hộ tịch đang được ngành tư pháp thực hiện thông suốt, hiệu quả.
Anh Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng Hành chính - Tư pháp, Sở Tư pháp chia sẻ: “Khi công chức tiếp nhận các TTHC liên quan đến công tác hộ tịch như đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì chỉ cần nhập dữ liệu trên cổng dịch vụ công và dữ liệu sẽ được chuyển về các phần mềm tương ứng. Hiện nay, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Từ khi triển khai Đề án 06/CP đến nay, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của tỉnh đã cung cấp 224.581 thông tin đăng ký khai sinh, 37.360 thông tin về tình trạng hôn nhân, 24.337 thông tin về khai tử và 123.990 thông tin thay đổi cải chính hộ tịch cho CSDLQG về dân cư”.
Đẩy mạnh kết nối các nguồn dữ liệu
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Điển hình như ngành BHXH tỉnh đã phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; chia sẻ dữ liệu người có công, đối tượng bảo trợ xã hội để cập nhật số định danh cá nhân, căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu chung của ngành BHXH.
“Nhờ liên thông dữ liệu, đến nay đã có nhiều cơ sở y tế khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đồng bộ thẻ BHYT với căn cước công dân gắn chíp để người dân thuận tiện khám, chữa bệnh. Số người tham gia BHXH, BHYT đã được đồng bộ với CSDLQG về dân cư chiếm hơn 50% so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh”. |
Ông LĂNG QUANG VINH Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước |
Trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP, Bình Phước chú trọng ứng dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư để tạo chuyển biến thực chất trong số hóa, giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Việc liên thông dữ liệu sẽ giải quyết tình trạng cát cứ thông tin, mỗi nơi mỗi kiểu, bởi dữ liệu sẽ được kết nối, chia sẻ và dùng chung.
Tính đến cuối tháng 3-2023, lực lượng công an tỉnh đã cấp định danh điện tử mức độ 2 cho 226.641 trường hợp, tỷ lệ kích hoạt đạt hơn 80%. Công tác cấp căn cước công dân gắp chíp điện tử tiếp tục đẩy mạnh, đến nay đã cấp được 932.131 trường hợp. Cùng với đó là quyết liệt đẩy nhanh làm sạch, đảm bảo nguồn dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. |
Qua 1 năm triển khai Đề án 06/CP cùng với các nhiệm vụ CĐS, đã có 18/43 nhiệm vụ của đề án được triển khai hiệu quả. Với 25 dịch vụ công thiết yếu, tỷ lệ công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng đột biến so với các năm gần đây. Trong năm 2022 và quý 1/2023, cổng dịch vụ công của tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 710.818 hồ sơ dịch vụ công, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tăng từ 27,2% lên hơn 99%; nâng tỷ lệ dịch vụ công được xử lý trực tuyến tăng từ 21,62% lên 99%. Hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá hệ thống cổng dịch vụ công đảm bảo các tiêu chí an ninh, an toàn và chính thức kết nối, chia sẻ với CSDLQG về dân cư.
Phát huy vai trò nguồn tài nguyên số quý báu CSDLQG về dân cư, Đề án 06/CP cùng với Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về CĐS đang góp phần thúc đẩy CĐS không chỉ trong các cơ quan, tổ chức mà còn dần hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn tin: Ngân Hà - baobinhphuoc.com.vn:
Ý kiến bạn đọc