Kết nối hành trình thanh niên khởi nghiệp - Bài 2

Thứ năm - 23/03/2017 22:43 1.489 0
Nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không nghĩ tới vào làm việc tại các cơ quan nhà nước hay những công ty, tập đoàn lớn mà chọn con đường gian nan hơn nhưng lại được tự lập, làm chủ để hướng tới lập nghiệp bền vững. Chúng tôi muốn chia sẻ cách lựa chọn khởi nghiệp của bạn Vũ Thị Sáng ở xã Long Hà (Phú Riềng) và Lê Vũ Phương Tùng, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) đã và đang từng bước khẳng định sự thành công trên lối đi riêng của mỗi người.
TÌM LỐI ĐI RIÊNG
 
KỸ SƯ MIỆT VƯỜN
 
Năm 2013, Vũ Thị Sáng (SN1990), tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh với tấm bằng loại khá và được nhiều công ty mời về làm việc. Hơn 2 năm cộng tác cho một công ty Nhật Bản ở TP. Hồ Chí Minh với mức lương khởi điểm gần 10 triệu đồng/tháng, nữ kỹ sư trẻ quyết định bỏ việc về quê mở trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng (VAC). Quyết định của Sáng khiến nhiều người bất ngờ, phản đối, song Sáng lại bày tỏ: “Em nghĩ học đại học không nhất thiết phải đi làm ngành này, nghề nọ và bon chen trong các cơ quan nhà nước. Học để nắm vững kiến thức ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả. Do đó, sau một thời gian em đã thuyết phục được cha mẹ, người thân đồng ý cho mở trang trại của riêng mình”. 
 

 
Kỹ sư miệt vườn Vũ Thị Sáng chăm sóc đàn bò
bằng phương pháp ủ lá cây lên men làm thức ăn quanh năm

Giữa năm 2014, Sáng đầu tư chuồng trại chăn nuôi hơn 200 con gà thịt, cá, dê, bò với tổng kinh phí 110 triệu đồng. Đối với đàn gà, Sáng sử dụng nệm sinh học từ những buổi tập huấn kỹ thuật của cán bộ hội nông dân, trung tâm khuyến nông để bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với đó, Sáng ứng dụng phương pháp ủ ấm từng được học trong trường để chăm sóc gà. Vì vậy, sau gần 4 tháng chăm sóc, đàn gà đã đem về lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

Đối với chăn nuôi dê và bò, Sáng dùng phương pháp ủ chua lá mì để làm thức ăn. Sáng cho biết: Cây mì, bắp sau khi thu hoạch lấy củ, trái người dân thường không sử dụng thân cây. Mình tận dụng mang về ủ men chua làm thức ăn cho gia súc. Với 100kg lá mì tươi, kết hợp ½kg muối, 5kg cám bắp gạo trộn chung đem ủ trong bao ni-lon buộc kín 15 ngày có thể đem cho gia súc ăn. Thức ăn này sử dụng trong vòng 6-12 tháng nếu bảo quản tốt. Đây là thức ăn có độ đạm, dinh dưỡng cao giúp đàn dê, bò ăn ngon và chóng lớn. Với phương pháp đó, dù gia đình neo người không thuê nhân công nhưng Sáng vẫn duy trì, phát triển tốt đàn bò. Sáng còn đào 2 ao cá cho thu nhập hơn 40 triệu đồng/vụ góp phần rất lớn vào nguồn thu của gia đình. Kỹ sư 9X này đang tiếp tục đầu tư diện tích trồng tiêu và điều ghép để phát triển quy mô trang trại kinh tế.

Với ý tưởng táo bạo và quyết tâm, mỗi năm từ mô hình trang trại VAC, Sáng thu về hơn 300 triệu đồng. Bạn trẻ này đang tự khẳng định quan điểm của mình rằng “Không phải cứ tốt nghiệp đại học xin vào các cơ quan nhà nước hay các công ty lớn mới là thành đạt mà chính mình phải xác định được thế mạnh, sở trường để tự làm chủ mới thực sự thành công”.

 
TRIỆU PHÚ 9X
 
Khi đang ngồi trên ghế nhà trường, Lê Vũ Phương Tùng (SN 1993), mơ ước trở thành cán bộ lĩnh vực môi trường trong các khu công nghiệp. Nhưng đang học năm thứ nhất với kết quả khá tại một trường cao đẳng ở Bình Dương, Tùng xin nghỉ rồi về làm vườn cùng gia đình.

Tùng cho biết: Khi đang học cao đẳng, ba bị bệnh, nhà neo người nên tôi quyết định nghỉ học về phát triển kinh tế gia đình. Càng làm tôi càng bị cuốn vào công việc với 10 ha điều và cao su. Cũng không biết từ lúc nào, mỗi buổi sáng, tôi phải chạy ra vườn mới cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Tôi cứ xoay vòng thời gian trong các vườn cây, từ chăm sóc đến thu hoạch. Để tăng năng suất, hiệu quả vườn cây tôi trồng bưởi da xanh thay thế một phần diện tích cây điều đã già cỗi.

 

 
Triệu phú bưởi da xanh Lê Vũ Phương Tùng

 Sau 3 năm vừa chăm sóc vừa học tập kỹ thuật, 8 sào bưởi da xanh đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Hiện vườn bưởi da xanh của anh Tùng cho năng suất khoảng 3 tấn/ha và có thương lái ký hợp đồng mua bán tại vườn với giá 35-40 ngàn đồng/kg. Anh Tùng đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vườn bưởi và khuyến khích đoàn viên thanh niên trong chi đoàn cùng trồng để tiến tới thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn trái.

Anh Bùi Hồ Phương, Bí thư Xã đoàn Đồng Tiến nói: Không chỉ làm kinh tế giỏi với thu nhập 400 triệu đồng/năm, anh Tùng còn là cán bộ đoàn cơ sở nhiệt tình, tâm huyết và góp phần hỗ trợ thanh niên nông thôn làm kinh tế gia đình. Hiện nay, tại ấp 6 có hơn 30 ha bưởi da xanh đang phát triển tốt do các thanh niên học tập mô hình từ Bí thư Chi đoàn Lê Vũ Phương Tùng.

Sắp đến ngày học sinh lớp 12 làm hồ sơ tuyển sinh để lựa chọn ngành nghề xác lập hướng đi trong tương lai. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chọn đúng nghề và bước lâu dài trên con đường đó. Câu chuyện khởi nghiệp chúng tôi chia sẻ trên hy vọng giúp một số bạn trẻ tham khảo để có sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai của bản thân trong thời đại đất nước đang bước vào hội nhập.
 

Nguồn tin: Cẩm Liên (baobinhphuoc.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

XÂY DUNG HINH MAU THANH NIEN
Khảo sát người dùng

Website này theo bạn đã tốt hay chưa?

Thanh niên Việt Nam tiến bước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xứng danh Đoàn thanh niên Bình Phước
(Bài hát chào mừng Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022)
Xem thêm tại đây 
Liên kết Website
Thống kê
  • Đang truy cập111
  • Hôm nay18,621
  • Tháng hiện tại304,806
  • Tổng lượt truy cập22,878,789
Video
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây